NÔNG THÔN, NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN BÌNH THUẬN TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI (Qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2001 và 2006)
II. NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN : 1. Số đơn vị nông, lâm nghiệp và thuỷ sản : Đến 1/7/2006, toàn tỉnh có 146.693 đơn vị nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (NLTS), tăng 2.981 đơn vị (+2,07%) so với năm 2001. Trong số 146.693 đơn vị có 24 doanh nghiệp NLTS chiếm 0,02%, 50 cơ sở NLTS trực thuộc các doanh nghiệp phi NLTS, 64 HTX NLTS chiếm 0,04%, có 1.884 trang trại chiếm 1,3%. Số đơn vị NLTS được phân bố ở các vùng theo thứ tự: Đồng bằng (16,32%), trung du (15,26%), miền núi (59,79%), vùng cao (6,06%), hải đảo (2,58%). Hộ là đơn vị sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Do vậy, qui mô sản xuất (lao động, đất đai) không lớn. Bình quân 1 đơn vị NLTS sử dụng 1,2 lao động, trong đó bình quân 1 hộ nông nghiệp có 2,4 lao động; số lao động sử dụng bình quân 1 doanh nghiệp, 1 HTX và 1 trang trại lần lượt là: 120,5; 10,7 và 3,4 lao động. Qui mô đất NLTS bình quân 1 hộ NLTS sử dụng năm 2006 là 4,31 ha, tăng 83,96% so với năm 2001; bình quân 1 doanh nghiệp, 1 HTX, 1 trang trại sử dụng lần lượt là: 1.231 ha; 1,23 ha; 4,6 ha. 2. Lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản có chuyển biến về cơ cấu nhưng chất lượng còn hạn chế : Theo kết quả điều tra, năm 2006 toàn tỉnh có 331.127 lao động NLTS, tăng 15.095 lao động (+4,78%) so với năm 2001. Việc chuyển dịch lao động trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm và chuyển sang các ngành phi nông lâm thuỷ sản cũng còn chậm, điều này chưa phản ánh kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của Đảng và Nhà nước. Lao động nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có xu hướng và mức độ biến động khác nhau: Cơ cấu lao động nông nghiệp giảm nhẹ, lao động thủy sản và lao động lâm nghiệp tăng tưng ứng. Năm 2006 toàn tỉnh có 275.554 lao động nông nghiệp, tăng 10.254 lao động (+3,87%) so với năm 2001; bình quân mỗi năm tăng 2.050 lao động, lao động nông nghiệp tăng hầu hết ở tất cả các huyện, thị xã trừ 04 xã của thành phố Phan Thiết có số lao động nông nghiệp giảm. Số lao động lâm nghiệp năm 2006 toàn tỉnh 1.231 lao động, tăng 138 người (+12,63%), bình quân hàng năm tăng 27,6 lao động. Số lao động thủy sản toàn tỉnh năm 2006 là 54.342 người, tăng 4.703 người (+9,47%), bình quân mỗi năm tăng 941 người.
Cơ cấu ngành nghề nhưng người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động năm 2001 - 2006 Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn thấp, chưa được cải thiện nhiều trong 5 năm qua. Năm 2006 cả tỉnh có 253.228 lao động NLTS chưa qua đào tạo và không có bằng/chứng chỉ chuyên môn (năm 2001 là 265.014 lao động), giảm 4,7% so với năm 2001. Cơ cấu lao động chưa qua đào tạo và không có bằng/chứng chỉ chuyên môn năm 2006 chiếm 93,8%, năm 2001 là 94,9%. Trong tổng số lao động, chỉ có 1,82% có trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật; 2,69% có trình độ trung cấp; 0,91% có trình độ cao đẳng và 0,81% có trình độ đại học và trên đại học. Trình độ chuyên môn của những người phụ trách các đơn vị NLTS (giám đốc DN, chủ nhiệm HTX) có khá hơn nhưng cũng còn rất hạn chế với 36,2% chưa qua đào tạo và không có bằng/chứng chỉ chuyên môn, trong đó 29,17% giám đốc doanh nghiệp, 56,25% chủ nhiệm HTX. Như vậy, phần lớn lao động trong nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là các lao động thủ công, theo kinh nghiệm. Đây là trở ngại lớn cho việc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta. Điều đó đang đặt ra yêu cầu cấp bách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. 3. Những nét khái quát về các hình thức tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: 3.1. Doanh nghiệp: Sản xuất của các doanh nghiệp NLTS đạt được những kết quả khả quan: Đến 1/7/2006 toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp NLTS, tăng 10 doanh nghiêp (+71,43%) so với 1/10/2001; hiện tại có 4 doanh nghiệp nhà nước, giảm 6 doanh nghiệp (-60%) do thực hiện chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Các loại hình doanh nghiệp khác có xu hướng tăng nhanh: công ty trách nhiệm hữu hạn gấp 4,5 lần, doanh nghiệp có vốn đầu từ nước ngoài tăng 50% so với năm 2001. Theo kết quả Tổng điều tra, vào thời điểm 01/7/2006, các doanh nghiệp NLNTS sử dụng 2.892 lao động, giảm 394 lao động (-15,77%) so với năm 2001. Bình quân 1 doanh nghiệp sử dụng 121 lao động, giảm 32,4% so với năm 2001. Thu nhập bình quân của lao động còn chênh lệch nhiều giữa các loại hình doanh nghiệp và giữa các vùng. Nhiều loại hình doanh nghiệp có thu nhập của người lao động trên 1,1 triệu đồng/1 tháng như doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên cũng còn một số loại hình doanh nghiệp thu nhập của người lao động còn thấp như công ty TNHH tư nhân (972 nghìn đồng/1 tháng). 3.2. Các hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thuỷ sản dần thích nghi với phương thức hoạt động mới, đang làm tốt hơn vai trò hỗ trợ kinh tế hộ gia đình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn: Đến 01 tháng 7 năm 2006, toàn tỉnh có 64 hợp tác xã NLTS đang hoạt động, giảm 25 hợp tác xã so với thời điểm 01/10/2001. Trong tổng số các hợp tác xã NLTS đang hoạt động có 62 hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) chiếm 96,8%, 01 HTX thuỷ sản chiếm 1,6%, 01 HTX lâm nghiệp, chỉ chiếm 1,6%. Mặc dù số HTX giảm đi so với năm 2001, nhưng kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh ta những năm qua đã có những chuyển biến tích cực về tổ chức sản xuất, vốn. Tuy nhiên kết quả và hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp so năm 2001. Đến 1/7/2006 các HTX NLTS sử dụng 685 lao động thường xuyên, trong đó 91,09% số lao động thường xuyên là xã viên và 8,91% là lao động thuê ngoài. Quy mô lao động thường xuyên bình quân một HTX là 10,7 lao động, giảm so với thời điểm 01/10/2001 (11,9 lao động). Sau 5 năm (từ 2001-2005), vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX đã giảm đáng kể. Tổng số vốn sản xuất của 64 HTX NLTS trong cả tỉnh tại thời điểm 31/12/2005 là 38.165,2 triệu đồng giảm 186,5 triệu đồng (-0,49%) so với thời điểm 31/12/2000. Vốn sản xuất bình quân 1 HTX NLTS 596,3 triệu đồng, tăng 165,4 triệu đồng (+38,38%) so năm 2001. Theo nguồn hình thành, 27,6% vốn của HTX NLTS là nợ phải trả, 72,4% là nguồn vốn chủ sở hữu. Trong số nợ phải trả thì vay ngân hàng chiếm 7,8%. Các HTXNN đã chú trọng đa dạng hoá các hoạt động dịch vụ và loại hình kinh doanh với giá cả hợp lý. Kết quả điều tra năm 2006 cho thấy trong số các HTXNN đang hoạt động có 71,88% làm dịch vụ thuỷ nông, 9,38% làm dịch vụ bảo vệ thực vật, 42,19% làm dịch vụ giống cây trồng, 56,25% làm dịch vụ cung ứng vật tư, chỉ có 4,69% làm dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... Doanh thu thuần từ hoạt động dịch vụ sản xuất bình quân 1 HTXNN năm 2005 đạt 179,99 triệu, giảm 36,66% so với năm 2000. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều hợp tác xã đã tiến bộ rõ nét so với năm 2000. Năm 2005 có 93,75% số HTXNN làm ăn có lãi (năm 2000 là 75,28%). Nhìn chung, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá IX), hoạt động của các HTX đã có những chuyển biến tích cực: Các HTX được củng cố một bước về tổ chức, quản lý, bộ máy quản lý gọn nhẹ hơn, sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng hoá phương thức hoạt động để phù hợp với các điều kiện cơ sở hạ tầng (hệ thống thuỷ nông, máy móc, lao động, vốn,...) hiện có. Các HTX đã làm được các khâu dịch vụ cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hoạt động kinh doanh của nhiều HTXNN là vừa bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi lại vừa tạo nền tảng phục vụ sản xuất, kinh tế hộ và sự phát triển chung của cộng đồng. Nhiều HTXNN đã đóng vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp sức xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần củng cố quan hệ kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, HTXNN cũng còn không ít khó khăn bất cập: Việc phát triển HTX còn chậm, lại không đều giữa các huyện trong tỉnh, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển sản xuất, vai trò HTX còn mờ nhạt. HTX tổ chức nhiều loại hoạt động dịch vụ nhưng phần lớn các dịch vụ chưa hiệu quả do tỷ lệ hộ nông dân sử dụng còn thấp. Hiện tại, chỉ một số dịch vụ được HTX thực hiện khá tốt: dịch vụ thuỷ nông, cung ứng vật tư, giống cây trồng; còn các dịch vụ khác chủ yếu do tư nhân đảm nhiệm hoặc hộ nông dân tự lo liệu. Nhiều HTXNN nặng về dịch vụ phi nông nghiệp như điện sinh hoạt, tín dụng. Quy mô HTX còn quá nhỏ, bình quân một HTX mới chỉ có 10,7 lao động. Vốn cho sản xuất đã giảm đáng kể và thiếu; máy móc, phương tiện sản xuất của HTX ít về số lượng, kém về chất lượng, nhiều tài sản của HTX cũ chuyển sang nên không phát huy được. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của các HTX còn rất thấp. Qui mô vốn, doanh thu, lợi nhuận bình quân 1 HTXNN thấp so với mức bình quân của 1 doanh nghiệp NLTS. Năng lực cán bộ quản lý HTX còn nhiều bất cập. Theo kết quả điều tra chỉ có 9,38% số chủ nhiệm HTX có trình độ trung cấp trở lên, có trình độ đại học và trên đại học không có, 34,8% có trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật và còn 56,25% chưa qua đào tạo và không có bằng /chứng chỉ chuyên môn. Trình độ chuyên môn của các chức danh khác (trưởng ban quản trị, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát) cũng tương tự. 3.3. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Số lượng trang trại[1] tăng nhanh, loại hình sản xuất đa dạng đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Kinh tế trang trại phát triển nhanh về số lượng ở tất cả các vùng trong tỉnh, đến thời điểm 01/7/2006, toàn tỉnh có 1.884 trang trại, so với năm 2001 tăng 716 trang trại tăng 61,3%. Vùng miền núi là vùng có nhiều đất đai, mặt nước thuận lợi để mở rộng qui mô trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản là những vùng tập trung số lượng trang trại nhiều nhất. Vùng này có 1.500 trang trại, chiếm 79,62%. Loại hình sản xuất của trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng các trang trại trồng cây hàng năm, sản xuất kinh doanh tổng hợp, tăng tỷ trọng cây lâu năm và tăng tỷ trọng các loại trang trại chăn nuôi. Tỷ trọng trang trại trồng cây hàng năm giảm từ 20,2% năm 2001, xuống còn 12,6% năm 2006; kinh doanh tổng hợp giảm từ 11% năm 2001 xuống còn 2,4% năm 2006; trang trại trồng cây lâu năm từ 45,6% tăng lên 54,1% năm 2006; trang trại chăn nuôi từ 9,4% tăng lên 18,5%. Trang trại sử dụng ngày càng nhiều ruộng đất với quy mô lớn - điều kiện tiên quyết cho nền sản xuất lớn nông nghiệp. Tại thời điểm 01/7/2006, diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản do các trang trại đang sử dụng là 8.588,79 ha, tăng 2.186,91 ha so năm 2001. Bình quân 1 trang trại sử dụng 4,6 ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân 1 trang trại cao nhất là ở vùng miền núi 4,8 ha, trung du 4,7 ha, đồng bằng 4,3. Từng loại hình trang trại có quy mô sử dụng đất khác nhau, bình quân 1 trang trại trồng cây hàng năm sử dụng 4,3 ha đất trồng cây hàng năm, 1 trang trại cây lâu năm sử dụng 3,8 ha đất trồng cây lâu năm và 1 trang trại lâm nghiệp sử dụng 23,4 ha đất lâm nghiệp. Đặc điểm đất đai của các trang trại là đất sản xuất liền bờ, liền khoảnh, qui mô lớn nên rất thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, bảo vệ, vận chuyển sản phẩm và nhất là cơ giới hoá, thủy lợi hoá, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Kinh tế trang trại phát triển góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn nhưng quy mô lao động các trang trại còn nhỏ, trình độ lao động còn hạn chế. Tại thời điểm 01/7/2006, các trang trại đã sử dụng 6.767 lao động làm việc thường xuyên; trong đó lao động của hộ chủ trang trại là 4.118 người, chiếm 60,85% tổng số lao động, còn lại là lao động thuê mướn. Nhìn chung, quy mô lao động của các trang trại còn nhỏ. Bình quân 1 trang trại sử dụng 3,6 lao động thường xuyên, 79,09% số trang trại sử dụng dưới 5 lao động và chỉ 1,5% số trang trại sử dụng 10 lao động trở lên. Do tính chất thời vụ của sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nên ngoài lao động thuê mướn thường xuyên, các trang trại còn thuê mướn lao động thời vụ (vào thời điểm cao nhất, các trang trại thuê trên 10.042 lao động). Những trang trại trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản sử dụng nhiều lao động thường xuyên nhất. Thu nhập bình quân 1 lao động làm việc thường xuyên của trang trại là 41 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, 94,7% lao động làm việc trong trang trại là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, 2,7% lao động có trình độ sơ cấp và chỉ có 2,54% lao động có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Qui mô vốn sản xuất, kinh doanh của trang trại tăng nhanh do các chủ trang trại tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất, thâm canh cây trồng vật nuôi. Tại thời điểm 01/7/2006, tổng vốn sản xuất, kinh doanh của các trang trại là 664.002,19 triệu đồng, bình quân một trang trại 352,4 triệu đồng, tăng 187,5 triệu đồng so năm 2001 (+2,1 lần). Kinh tế trang trại phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá ngày càng lớn, gắn với thị trường. Tổng thu sản xuất, kinh doanh của các trang trại năm 2006 đạt 278.417,24 triệu đồng, bình quân 170 triệu đồng 1 trang trại, gấp 1,9 lần so năm 2001. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bán ra năm 2006 là 278.417,24 triệu đồng, bình quân 1 trang trại 147,8 triệu đồng gấp 1,9 lần so với năm 2001. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản bán ra còn chênh lệch rất nhiều giữa các loại hình trang trại. Trang trại thuỷ sản có giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản bán ra trong năm lớn nhất với 211,51 triệu đồng/1 trang trại, tiếp đến là trang trại cây ăn quả 188,03 triệu đồng/1 trang trại, trang trại lâm nghiệp với 45,4 triệu đồng /1 trang trại. 3.4. Hộ nông nghiệp, hộ lâm nghiệp và thuỷ sản tăng, qui mô sản xuất kinh tế hộ tiếp tục được mở rộng : Cơ cấu hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản có xu hướng chuyển dịch tích cực nhưng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của từng ngành Tính đến 01/7/2006, toàn tỉnh có 146.693 hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (bao gồm hộ NLTS ở khu vực thành thị là 34.778 hộ), tăng 2.981 hộ (+2,07%) so với năm 2001. Hộ nông nghiệp: Toàn tỉnh có 116.396 hộ (ở khu vực thành thị là 17.936 hộ), tăng 2.010 (+1,76%) so với năm 2001, bình quân mỗi năm tăng 0,44%. Xu hướng tăng số hộ nông nghiệp diễn ra phổ biến ở vùng miền núi nơi có đất đai trù phú, điều kiện canh tác nông nghiệp dễ. Hộ lâm nghiệp: toàn tỉnh 297 hộ (khu vực thành thị là 103 hộ), giảm 179 (-37,61%) so với năm 2001, bình quân mỗi năm giảm 11,12%. Đây là xu hướng chưa tích cực cần tiếp tục khuyến khích mạnh hơn nữa để khai thác thế mạnh về lao động và đất rừng ở tỉnh ta. Số lượng hộ lâm nghiệp còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng về phát triển lâm nghiệp. Điều này cũng chứng tỏ đầu tư, phát triển nghề rừng chưa đem lại hiệu quả đối với các hộ. Hộ thuỷ sản: Cùng với sự phát triển nhanh về sản xuất thuỷ sản trong những năm qua, số hộ thuỷ sản cũng tăng khá ở tất cả các vùng. Đến năm 2006 toàn tỉnh có 30.000 hộ thuỷ sản (khu vực thành thị là 17.279 hộ), tăng 1.150 hộ (+20,45%) so với năm 2001, bình quân mỗi năm tăng 0,98%. Mặc dù đã có những chuyển dịch cơ cấu hộ nhưng nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng về lâm nghiệp và thuỷ sản của nước ta. Những thay đổi về số lượng từng loại hộ đã làm cho cơ cấu trong nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản thay đổi theo hướng tỷ trọng hộ nông nghiệp giảm đi, tỷ trọng hộ lâm nghiệp và thuỷ sản tăng lên. Tỷ trọng hộ nông nghiệp từ 79,59% năm 2001 giảm xuống còn 79,35% năm 2006. Tỷ trọng hộ nông nghiệp giảm ở những vùng có điều kiện mở rộng sản xuất thuỷ sản. Tỷ trọng hộ thuỷ sản có tăng nhưng còn chậm (từ 20,07% năm 2001 lên 20,45% năm 2006) nhưng tính chung cả hai loại hộ lâm nghiệp và thuỷ sản đến năm 2006 mới chiếm 20,65% so với tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản cả tỉnh - một tỷ trọng quá nhỏ so với tiềm năng và thế mạnh của hai ngành này. Qui mô sản xuất kinh tế hộ được mở rộng có tác dụng tích cực đến phát triển kinh tế và xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn. Mở rộng qui mô sản xuất không chỉ giới hạn trong trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản mà đã có những chuyển biến mạnh trong chăn nuôi. Đối với chăn nuôi lợn, số hộ nuôi lợn từ 5 con trở lên, năm 2001 là 10,1% thì năm 2006 là 11,5%. Chăn nuôi bò: năm 2001 có 7,05% số hộ nuôi từ 4 con trở lên thì năm 2006 là 12,92%. Cần có chính sác tích cực khuyến khích chăn nuôi với qui mô lớn gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là giải pháp tích cực và khả thi để nhanh chóng đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính. 4. Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 2007đã cấp 4.531 ha (cho 3.732 hộ), nhìn chung hộ dân tộc ở các xã vùng cao đến nay cơ bản đã đủ đất sản xuất. Đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từng bước tạo ra sản phẩm hàng hoá đã thu được một số kết quả nhất định. Với chính sách đầu tư ứng trước cây bắp lai, hầu hết các thôn, xã đã chuyển mạnh sản xuất cây bắp lai, sản lượng thu hoạch năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm đạt 12- 15 ngàn tấn bắp thương phẩm. Song song đó, với việc triển khai trồng mới điều ghép, cây ăn quả, thâm canh lúa; bình quân 1 hộ sử dụng 1,1 ha đất cây hàng năm (năm 2001: 0,8 ha/hộ); đất cây lâu năm, bình quân 1 hộ sử dụng 1 ha (năm 2001 bình quân 0,7 ha/hộ). Đã giải ngân 22 tỷ đồng cho 3.160 hộ vay mua 4.680 con bò; cấp 186 bò đực giống lai sind cho 15 xã để phối giống nâng tỷ trọng đàn. Đã giao khoán được 89.060 ha rừng cho 2.447 hộ để quản lý, bảo vệ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Đã triển khai dự án đầu tư 2,8 tỷ đồng xây dựng, trang bị cơ sở vật chất khôi phục, phát triển 3 làng nghề truyền thống: Gốm gọ xã Phan Hiệp; dệt thổ cẩm xã Phan Thanh và Phan Hoà (Bắc Bình), La Dạ (Hàm Thuận Bắc). Công tác đào tạo nghề cho đồng bào được chú ý, đã tổ chức liên kết với các doanh nghiệp và các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm, đan lát cho 337 lao động dân tộc Chăm, Cơ ho Ra-glai. Tuy vậy, việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống còn khó khăn; ý thức học nghề, yêu thích lao động trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao. Đời sống sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện dần; tỷ lệ nhà kiên cố, bán kiên cố chiếm 63,9%; diện tích nhà ở kiên cố, bán kiên cố bình quân/hộ là 48,2m2; tỷ lệ hộ có điện sử dụng đạt 91,2%. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào được chú ý; riêng 15 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, trong 5 năm qua, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây mới 3 trạm y tế và sửa chữa nâng cấp 1 trạm y tế xã với tổng vốn đầu tư là 1.840 triệu đồng, mua sắm trang thiết bị y tế cho các xã là 2.720 triệu đồng. Đến nay, các trạm y tế xã có đủ giường bệnh, có điện và trang thiết bị đáp ứng cho việc khám và chữa bệnh cho nhân dân, có bác sĩ, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Nhờ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai các chương trình xoá đói giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, nên kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm dần, năm 2006 còn 12% (năm 2002: 32,83%). 5. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có bước phát triển khá, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển : Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã đạt được kết quả tích cực, ứng dụng nhiều công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi mới. Công tác chuyển giao mô hình khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y hướng vào những cây, con trọng điểm. Đã triển khai các mô hình sản xuất một số cây trồng chính như: lúa, điều, bông, mỳ, mía, cây ăn quả; nghiên cứu mô hình chăn nuôi, nạc hoá đàn heo, chương trình bò lai sind, gà thả vườn... Xuất khẩu hàng thuỷ sản trong giai đoạn 2000- 2007 phát triển khá. Tuy vậy tỷ suất hàng đưa vào chế biến, xuất khẩu chưa được nhiều. Lượng hàng thuỷ sản đưa vào chế biến hàng năm chiếm khoảng 60-65%, trong đó xuất khẩu 30-35% so với sản lượng khai thác; quả thanh long từ năm 2005 đến nay xuất khẩu khá hơn trước đó, hàng năm chiếm khoảng 25% sản lượng thu hoạch; nhân hạt điều từ năm 2000-2005 hàng năm đưa vào chế biến xuất khẩu trên 95%, song trong 2 năm gần đây chỉ khoảng 30% so với sản lượng thu hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng thuỷ sản năm 2007 đạt 76,2 triệu USD, tăng gấp 4,2 lần so với năm 2000 (tăng bình quân 25%/năm); hàng nông sản đạt 25,9 triệu USD, tăng 16,73% so năm 2000 (bình quân tăng 2,23%/năm) do sản xuất mặt hàng nhân hạt điều trong 2 năm gần đây bị ngưng trệ, lượng hàng xuất không đáng kể nên kết quả nhóm hàng đạt thấp. Thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng; các thị trường chiếm tỷ trọng lớn ngoài Nhật Bản, Đài Loan còn có thêm Trung Quốc, Mỹ, Xin-ga-po, I-ta-ly-a, Pháp. Nét đặc thù đáng khích lệ của hoạt động xuất khẩu trong những năm qua là có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khá sôi động. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án phục vụ xuất khẩu, hỗ trợ tín dụng xuất khẩu, triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản, thanh long, cao su… được duy trì thường xuyên và có những kết quả thiết thực. 6. Thuỷ sản: Kinh tế thuỷ sản tiếp tục phát triển cả khai thác và nuôi trồng, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Sản lượng hải sản khai thác năm 2007 đạt 163 nghìn tấn (tăng 35 nghìn tấn so với năm 2000). Cơ cấu nghề khai thác có chuyển biến theo hướng khai thác tuyến khơi xa bờ; các nghề hoạt động kém hiệu quả giảm dần; việc bảo quản sản phẩm sau khai thác được quan tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Lượng tàu thuyền có công suất lớn tăng nhanh, đến cuối năm 2007 toàn tỉnh có 7.496 chiếc tàu thuyền cơ giới với tổng công suất 433,9 ngàn cv, bình quân 57,9cv/chiếc (năm 2000: 33,8cv/chiếc). Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ở các vùng, các địa phương với các hình thức đa dạng theo quy mô hộ gia đình như nuôi tôm sú, sản xuất tôm giống, và một loại số loại thuỷ sản nước ngọt khác (cua biển, cá chẽm). Diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2007 có 2.248 ha, trong đó nuôi tôm 939 ha, nuôi thuỷ sản nước ngọt 1.220 ha. Các cơ sở nuôi tôm sú hoạt động ổn định, tôm nuôi phát triển tốt; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong những năm gần đây phát triển đáng kể, đạt hiệu quả khá; kỹ thuật nuôi được cải tiến theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, thâm canh công nghiệp đưa năng suất tôm sú đạt bình quân 3-4 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng 10-12 tấn/ha. Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng năm 2007 đạt 6.469 tấn (tăng gấp 5 lần so với năm 2000); trong đó tôm 3.371 tấn (tăng gấp 5,4 lần so năm 2000). Sản xuất tôm giống ổn định; đầu tư sản xuất tôm giống có sự chuyển biến về quy mô và năng lực sản xuất; giống tôm được chú ý đa dạng hoá; sản lượng kiểm dịch và xuất bán năm 2007 đạt 5,6 tỷ post (tăng gấp 6,6 lần so với 2000). Kết quả trên đã đưa giá trị tăng thêm ngành thuỷ sản trong giai đoạn 2000-2007 tăng bình quân 9,1%/năm. 7. Về đời sống sinh hoạt Đến nay, tất cả các xã đã có đường ô tô đến trung tâm, có trạm y tế, số hộ sử dụng điện lưới và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ngày càng tăng. Đời sống các tầng lớp dân cư được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, qua kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình ở nông thôn năm 2006 cho thấy trị giá đồ dùng lâu bền bình quân/hộ là 11,7 triệu đồng (bằng 68,4% so với hộ thành thị); tỷ lệ hộ gia đình có xe máy là 66,5% ; có ti vi màu 72% ; có ti vi đen trắng 5,3% ; có đầu video (VCD) 48,4%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu của dân cư đã được khắc phục cơ bản, kể cả miền núi, vùng sâu, vùng xa. Điều kiện sinh hoạt, học tập, khám chữa bệnh, tiếp cận thông tin.... được cải thiện nhiều so với giai đoạn 1996-2000. Tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên biết chữ là 91,3%. Theo kết quả điều tra năm 2006, thu nhập bình quân người/tháng ở nông thôn đạt 512,2 ngàn đồng, tăng 30% so với năm 2004 và 71% so với năm 2002; trong đó hộ nông nghiệp đạt 461 ngàn đồng/người (tăng 28,5% so với năm 2004); lâm nghiệp 415 ngàn đồng/người (giảm 10%), thuỷ sản 586 ngàn đồng/người (tăng 11,9%). So với thành thị, thu nhập bình quân/người ở nông thôn chỉ bằng 70,3%, chênh lệch này đang có xu hướng thu hẹp dần. Song với giá cả và điều kiện sinh hoạt thì không có sự chênh lệch lớn về mức tăng thu thập giữa thành thị và nông thôn. Chi tiêu bình quân 1 nhân khẩu/tháng ở khu vực nông thôn trong năm 2006 là 500,4 ngàn đồng (bằng 81,9% so với thành thị). 8. Khái quát về kết quả sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Những chuyển biến tích cực về lực lượng sản xuất, sự phát triển của các mô hình sản xuất hàng hóa lớn và sự hoàn thiện về tổ chức sản xuất của các loại đơn vị NLTS là cơ sở để sản xuất NLTS trong những năm qua đạt được những kết quả khả quan. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2006 theo giá so sánh năm 1994 đạt 4.824.114 triệu đồng, tăng 2,01 lần so với năm 2001, bình quân mỗi năm tăng 7,4%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2006 tăng 29,68% so với năm 2001, bình quân mỗi năm tăng 5,3%. Bên cạnh việc phát triển toàn diện và ổn định, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản thời kỳ 2001 – 2006 phát triển theo hướng từng bước đổi mới cây trồng, vật nuôi và gắn sản xuất với thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2006 diện tích gieo trồng lúa đã giảm trên 575 ha so với năm 2000, diện tích và sản lượng các loại cây công nghiệp, nhất là các loại cây có giá trị xuất khẩu như thanh long, cao su, điều,... tăng khá; nuôi trồng thuỷ sản tăng mạnh cả về diện tích và đa dạng về hình thức, phương thức nuôi. Sự chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành theo hướng giá trị các ngành đều tăng nhưng tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp giảm đi và vai trò của ngành thuỷ sản ngày càng thể hiện rõ nét. Việc tổ chức thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta trong những năm qua đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, luân canh, tăng vụ, áp dụng các biện pháp khoa học - công nghệ mới đã nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2006, giá trị thu được trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 24 triệu đồng, tăng 26,4% so với năm 2003. Giá trị thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2006 là 22,5, tăng 35,82% so với năm 2003. Giá trị thu được trên 1 ha nuôi trồng thủy sản chung toàn tỉnh là 130,8 triệu đồng, tăng 17,83% so với năm 2003. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã có những bước tiến quan trọng, đang vươn tới một nền sản xuất hàng hoá lớn, sản phẩm đa dạng có tính cạnh tranh và tăng trưởng ổn định. Hiệu quả sử dụng đất được nâng cao, sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản không những góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và các nhu cầu lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong nước mà còn có nông sản, thuỷ sản xuất khẩu với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, nhất là các mặt hàng chủ lực : thanh long, hạt điều, cao su, tôm sú. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những năm qua vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn do sản xuất còn mang tính tự phát và việc phát triển, mở rộng sản xuất nhiều nơi chưa gắn triệt để với giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường. 9. Những tồn tại, hạn chế: - Lợi thế trên một số lĩnh vực sản xuất nông lâm thuỷ sản chưa phát huy tốt. Cơ cấu kinh tế nông thôn, cơ cấu nội bộ ngành chậm chuyển biến. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thiếu tính ổn định lâu dài, nhiều loại hàng hoá chưa đủ sức cạnh tranh. Một số cây trồng không phát triển được theo quy hoạch như bông, mía, nho… Mô hình khuyến nông, lâm khuyến ngư nhân rộng còn ít; công nghệ ứng dụng chưa đi vào chiều sâu. Hệ thống sản xuất cung ứng giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Công tác phối hợp chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch bệnh cây trồng vật nuôi có lúc, có nơi thiếu đồng bộ. - Tình trạng di dân tự do, lấn chiếm đất đai lâm nghiệp, xâm hại rừng trái phép xảy ra một số điểm nóng tại các vùng giáp ranh, gây ách tắc cho công tác quản lý, triển khai các dự án đầu tư và trồng rừng. Công tác chống phá rừng, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh còn phức tạp. - Công tác thông tin, dự báo ngư trường, nguồn lợi phục vụ cho chương trình khai thác hải sản xa bờ còn hạn chế. Tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản còn phổ biến. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá còn chậm, bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư. - Các làng nghề ở nông thôn phát triển yếu, chưa tạo nhiều điều kiện để thu hút đầu tư; tác động của công nghiệp đối với nông nghiệp chưa rõ nét. Xuất khẩu chưa ổn định vững chắc; khối lượng hàng nông thuỷ sản xuất khẩu còn thấp so với năng lực sản xuất của địa phương, tính cạnh tranh thấp. - Đời sống một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục ở vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, chênh lệch lớn so với vùng có điều kiện phát triển kinh tế xã hội. - Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiệu quả sản xuất trên diện tích đất chưa cao; cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài. Tiến độ khai hoang, cấp đất sản xuất, cho vay mua bò một số nơi chưa đạt kế hoạch đề ra. Mức độ phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, thể thao còn thấp. Tư tưởng ỷ lại trông chờ vào Nhà nước còn khá lớn. ___________________________________ [1] Theo tiêu chí trang trại được qui định trong Thông tư số 74/2003/TT-BNN ngày 4/7/2003 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |