NÔNG
THÔN, NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG
DÂN BÌNH THUẬN
TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI
(Qua số liệu
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp
và thủy sản năm
2001 và 2006)
I. TÌNH HÌNH NÔNG THÔN
1. Kết
cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được xây dựng mới và nâng cấp tạo tiền đề đẩy
mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
1.1. Phát triển nhanh mạng lưới điện ở
nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi để điện khí hoá nông thôn, nông nghiệp,
phục vụ sản xuất và đời sống.
Nếu năm 2001 toàn tỉnh có 91,3%
số xã, 85,75% số thôn, ấp, bản (gọi chung là thôn) và 77,48% số hộ có điện; thì
đến năm 2006 đã có 100% số xã, 98,42% số thôn có điện (trong đó 96,17% số thôn
có điện lưới quốc gia) và tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đạt tới 94,02%. Như
vậy, sau 05 năm tỷ lệ số hộ có điện đã tăng thêm 16,54%, nên đến năm 2006 ở khu
vực nông thôn chỉ còn 5,98% số hộ chưa có. Cả tỉnh đã có 97 xã đạt 100% số xã có
điện; 5 huyện, thành phố có 100% thôn có điện (Tp. Phan Thiết, Thị xã La Gi,
Huyện Hàm Thuận Bắc, Huyện Đức Linh, Huyện Hàm Tân). Tỷ lệ hộ có điện năm
2006 so với năm 2001 tăng nhanh ở các huyện như Phan Thiết tăng 52,1%, Hàm Thuận
Bắc tăng 41,83%, Hàm Thuận Nam tăng 56,57%, Tánh Linh tăng 41,03%, Đức Linh
50,18%. Riêng huyện đảo Phú Quý sử dụng điện máy nổ.
1.2. Đường
giao thông nông thôn được xây dựng và nâng cấp cả về số lượng và chất lượng.
Với phương châm "Nhà nước
và nhân dân cùng làm", giao thông nông thôn có bước phát triển cả về số lượng và
chất lượng, góp phần tích cực tạo cơ sở hạ tầng thuận lợi để thu hút các nhà đầu
tư phát triển sản xuất, kinh doanh về khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm,
xóa đói giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác.
Đến năm 2006 cả tỉnh 97 xã có đường ô tô đến
được trụ sở UBND xã, chiếm 100% tổng số xã (năm 2001 là 98,91%); trong đó 100%
có đường ô tô đi lại được quanh năm và 87 xã (chiếm 89,69%) có đường ô tô được
nhựa, bê tông hóa.
Hệ thống đường giao thông nội bộ xã - liên thôn
đã được nâng cấp đáp ứng cho việc đi lại của nhân dân được thuận lợi. Cả tỉnh có
65 xã, chiếm 67,01% tổng số xã (năm 2006 là 41,3%) có đường liên thôn được nhựa,
bê tông hoá theo các mức độ khác nhau; trong đó 7 xã chiếm 7,22% tổng số xã (năm
2006 đạt 5,43%) đã nhựa, bê tông hóa trên 70% các tuyến đường liên thôn.
Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng ở một
số địa phương, đường giao thông nông thôn vẫn chưa thuận lợi cho phát triển sản
xuất và sinh hoạt của nhân dân, tỷ lệ xã có đường liên thôn được nhựa, bê tông
hóa nhìn chung còn thấp so với các tỉnh trong khu vực,…
1.3. Hệ thống trường
học các cấp tiếp tục được mở rộng về số lượng và cơ bản xoá trường, lớp tạm.
Thực hiện chủ trương xã
hội hóa giáo dục của Nhà nước, hệ thống trường học các cấp ở nông thôn đã đạt
được những kết quả đáng khích lệ về số lượng và cơ sở trường lớp. Trước hết là
hệ thống trường học các cấp ở nông thôn tiếp tục được mở rộng và phát triển, đến
năm 2006 có 97,94% số xã có lớp mẫu giáo/mầm non, 100% số xã có trường tiểu học,
82,47% số xã có trường trung học cơ sở (năm 2001 là 75%), 8,25% số xã có trường
trung học phổ thông (năm 2001 là 4,35%). Điểm tiến bộ về giáo dục tiểu học là số
trường bình quân 1 xã đạt 2,22 trường (Thị xã La Gi bình quân 2 trường; Tuy
Phong 2,2 trường; Bắc Bình 2,18 trường; Hàm Thuận Bắc là 2,28 trường; Hàm Thuận
Nam 2,08 trường; Tánh Linh 2 trường; Đức Linh 2,45 trường), việc mở thêm các
điểm trường ở các thôn đã tạo điều kiện thuận lợi để học sinh không phải đi học
xa, giảm được tình trạng học sinh bỏ học so với trước, ở một huyện khó khăn như
huyện đảo Phú Quý bình quân cũng đạt 2 trường trên 1 xã năm 2006.
Bên cạnh tiến bộ về số
lượng trường học, lớp học các cấp tăng nhanh, phong trào xây dựng trường học
kiên cố, xoá trường, lớp học tạm đạt kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ trường học
được xây dựng kiên cố và bán kiên cố tương ứng ở các cấp học là mẫu giáo/mầm non
đạt 14,96% và 84,25%, tiểu học đạt 32,09% và 67,44% (năm 2001 là 32,67% và
65,33%), trung học cơ sở đạt 65,48% và 32,14% (năm 2001 là 53,62% và 46,38%),
trung học phổ thông đạt 100% (năm 2001 là 60% và 40%).
1.4. Hệ thống y tế
nông thôn được quan tâm xây dựng đã và đang trở thành tuyến chăm sóc sức khoẻ
ban đầu quan trọng của nhân dân.
Hệ thống y tế xã phát triển cả về số lượng trạm y tế, trình độ chuyên
môn của cán bộ y tế, cơ sở vật chất và các trang thiết bị khám chữa bệnh. Đến
năm 2006, có 94 xã có trạm y tế, chiếm 96,91% tổng số xã và tăng 2 xã so với năm
2001. Bình quân 1 trạm y tế xã có 0,8 bác sỹ và 1000 dân có 7,6 bác sỹ (năm 2001
các con số tương ứng là 0,9 và 8,1). Khu vực nông thôn có 94 trạm y tế xã, trong
đó có 35,11% trạm y tế đã được xây dựng kiên cố (còn lại 61,7% bán kiên cố và
3,19% là khác); Thực hiện chủ trương xã
hội hoá trong lĩnh vực y tế, cùng với việc mở rộng mạng lưới y tế công lập, hệ
thống khám, chữa bệnh tư nhân hình thành và góp phần quan trọng vào chăm sóc sức
khoẻ cộng đồng. Đến năm 2006, có 46 xã chiếm 47,42% số xã có cơ sở khám, chữa
bệnh tư nhân trên địa bàn xã; trong đó vùng có tỷ lệ xã có cơ sở khám chữa bệnh
tư nhân cao là vùng miền núi chiếm 73,91%. Ngoài các cơ sở khám, chữa bệnh, đến
nay đã có 52 xã, chiếm 53,6% số xã, có cửa hàng dược phẩm (nhà thuốc) phục vụ
bán thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn được thuận lợi.
Để phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng nông
thôn tốt hơn, hệ thống y tế thôn đã được chú ý và mở rộng. Đến năm 2006, có
272/444 thôn (chiếm 61,26%) số thôn có cán bộ y tế thôn; trong đó vùng miền núi
chiếm tỷ lệ cao nhất 74,26% (202/272 thôn) số thôn có cán bộ y tế thôn.
Thực hiện chương trình cung cấp nước sạch nông
thôn đạt được những kết quả khả quan, với 42,26% số xã có công trình cấp nước
sinh hoạt tập trung; trong đó những vùng đạt tỷ lệ cao là trung du 24,39%, miền
núi 48,78%, vùng cao 17,07% và đồng bằng là 9,76%. Vệ sinh môi trường nông thôn
đang từng bước được quan tâm, đến nay đã có 1,3% số thôn có hệ thống thoát nước
thải chung và 42,26% số xã có tổ chức/hoặc thuê thu gom rác thải; trong đó các
vùng có cả 2 tỷ lệ trên đạt cao là vùng đồng bằng, vùng trung du. Cùng với những
nỗ lực của nhân dân trong việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cho ăn uống và bảo
vệ môi trường, tình hình vệ sinh môi trường ở nông thôn ngày càng được cải
thiện.
Có thể thấy, số bác sỹ của
các trạm y tế xã bình quân trên 1000 dân của một số huyện còn thấp, chưa đáp ứng
được yêu cầu phục vụ sức khoẻ cho nhân dân, như: Phan Thiết chỉ có 0,5 bác sỹ,
Tánh Linh 0,6 bác sỹ, Hàm Tân, Phú Quý có 0,3 bác sỹ. Việc phát triển các làng
nghề, cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản và các cụm/khu công nghiệp ở khu vực
nông thôn, nhưng chưa chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý
nước thải, chất thải đang là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.
1.5. Mạng lưới thông
tin, văn hóa phát triển nhanh, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của nhân
dân.
Đến năm 2006, khu vực nông thôn có 75 xã, chiếm 77,32% số xã có điểm bưu
điện văn hoá (năm 2001 là 48,91%), đây là một loại hình kết hợp giữa bưu điện và
văn hóa do ngành Bưu điện đầu tư xây dựng và phát triển tương đối đồng đều. Tỷ
lệ xã có điểm bưu điện văn hoá được nối mạng internet đạt 32,0%; trong đó vùng
Miền núi có tỷ lệ cao nhất là 80,77%, tiếp đến là vùng cao 11,54% và thấp nhất
là vùng trung du 7,69%. Ngoài ra khu vực nông thôn còn có 44 xã, chiếm 45,36%,
có trạm bưu điện xã. Cả hai loại hình điểm bưu điện văn hoá xã và trạm bưu điện
xã về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc ở khu vực nông thôn.
Những năm gần đây trên địa bàn xã phát triển nhanh các điểm dịch vụ internet tư
nhân phục vụ nhu cầu truy cập thông tin của nhân dân, đến năm 2006 đã có
34
xã (chiếm 35,05%),
với 63 điểm internet tư nhân, bình quân 1 xã có 0,65 điểm. Số hộ có máy điện
thoại (cố định/di động) là 31.471 hộ, chiếm 20,4% số hộ, tăng 154,7% so năm
2001; bình quân cứ 4,9 hộ thì có 1 hộ có máy điện thoại. Có
92,78% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn, 5,15% số xã có thư viện và
17,53% số xã có nhà văn hoá xã (năm 2001 các con số tương ứng là 38,04%, 1,09%,
2,17%). Hệ thống nhà văn hoá/nhà sinh hoạt cộng đồng thôn đã được xây dựng và
phát triển nhanh làm địa điểm cho nhân dân trong thôn hội họp và sinh hoạt văn
hoá, đến năm 2006 có 39,41% số thôn có nhà văn hoá/nhà sinh hoạt cộng đồng.
1.6. Hệ thống ngân hàng, chợ, làng nghề và
cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản đã góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng sản
xuất kinh doanh ở nông thôn.
Hệ thống ngân hàng thương
mại và quỹ tín dụng nhân dân được hình thành ở khu vực nông thôn nhiều hơn những
năm trước, tạo thuận lợi cho nhân dân tiếp cận vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh
doanh. Đến năm 2006, có 5 xã, chiếm 5,15% số xã, có ngân hàng/chi nhánh ngân
hàng đóng trên địa bàn; có
20
xã, chiếm
20,61%
số xã, có quỹ tín dụng nhân dân. Tỷ lệ xã xã thuộc chương trình 135 có ngân
hàng/chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân còn rất thấp
4 xã chỉ chiếm 12,12%.
Chợ nông thôn có vai trò
quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế hàng hoá, kích thích trao đổi hàng
hoá giữa các vùng và trong nội bộ nhân dân trên địa bàn. Năm 2006, tỷ lệ xã có
chợ là 74,23% (năm 2001 là 69,57%). Vùng tỷ lệ xã có chợ cao nhất là vùng miền
núi 76,58% và thấp nhất là vùng cao 2,7%. Số chợ trên địa bàn xã được xây dựng
kiên cố và bán kiên cố chiếm tỷ lệ 48,65%. Tuy nhiên, tỷ lệ xã có chợ ở một số
huyện còn thấp… và số chợ tạm, chợ họp ngoài trời chiếm tới 51,35%.
Nhiều làng nghề được khôi
phục và phát triển, cùng với sự ra đời của các khu, cụm công nghiệp, đã thu hút
được nhiều nguồn vốn trong dân cư, tạo được việc làm tại chỗ cho hàng chục vạn
lao động và đào tạo, bồi dưỡng những lao động phổ thông thành lao động có kỹ
thuật, góp phần thúc đẩy sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hoá và chuyển dịch cơ
cấu kinh tế nông thôn. Đến năm 2006, khu vực nông thôn có 12 xã (chiếm 12,37%)
có làng nghề, với 13 làng nghề (năm 2001 có 1 làng nghề), số làng nghề truyền
thống là 8 (chiếm tỷ lệ 61,53%). Cùng với việc phát triển làng nghề, số cơ sở
chế biến nông, lâm, thuỷ sản ngày càng tăng, đến năm 2006, có 1.846 cơ sở, bình
quân 1 xã có 23,4 cơ sở. Số làng nghề phát triển mới còn ít và số làng nghề
không sử dụng thiết bị xử lý nước, chất thải độc hại đang là nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường ở nông thôn.
1.7. Hệ thống thuỷ lợi, khuyến
nông, lâm, ngư cấp xã, cấp thôn được xây dựng và củng cố góp phần hỗ trợ nông
dân phát triển sản xuất.
Nhiều trạm bơm, hồ đập
thuỷ lợi được xây dựng mới, phong trào kiên cố hoá kênh mương tiếp tục được thực
hiện, thêm nhiều diện tích canh tác được tưới, tiêu góp phần tăng năng suất, sản
lượng cây trồng. Đến năm 2006, có 25 trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông, lâm
nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn xã; bình quân 1 xã có 0,3 trạm bơm nước, nhiều
nhất là Phan Thiết và Tánh Linh có 1 trạm, thấp nhất là Bắc Bình chỉ có 0,1
trạm.
Những năm qua Nhà nước đã quan tâm đầu
tư và mở rộng hệ thống khuyến nông, lâm, ngư và thú y của xã và thôn để phục vụ,
hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Đến năm 2006, có 69,07% (67 xã) số xã có cán bộ
khuyến nông, lâm, ngư với 83 người, bình quân 1 xã có 1,2 người; 26,12% số thôn
có cộng tác viên khuyến nông, lâm, ngư. Có 45,36% (44 xã) số xã có cán bộ thú y
của xã, với 69 người. Bên cạnh mạng lưới thú y của xã và thôn, còn có 73,19% số
xã (71 xã) , với 219 người hành nghề thú y tư nhân, bình quân 1 xã có 3 người
hành nghề thú y tư nhân. Tuy nhiên, một số địa phương hệ thống khuyến nông, lâm,
ngư của xã và thôn chưa hình thành hoặc có nhưng tỷ lệ còn thấp. Mạng lưới thú y
xã, thôn và thú y tư nhân một số địa phương còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu phòng,
chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là vào những thời điểm xảy ra dịch
bệnh.
2. Nhà nước thực hiện
nhiều chính sách xã hội ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn,
vùng sâu, vùng xa.
Nền kinh tế của tỉnh ta
những năm qua liên tục tăng trưởng cao, cân đối thu chi ngân sách nhà nước bước
đầu đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Nhà nước thực hiện nhiều chính
sách xã hội ở khu vực nông
thôn, nhất là những xã vùng
sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều chương trình đã và đang được thực
hiện như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo và việc làm,
Chương trình 135, Chương trình 5 triệu ha rừng,
Chương trình mục tiêu quốc
gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia
Giáo dục và Đào tạo...
Thông qua các chương trình đó, hàng loạt dự án cụ thể được triển khai và đã phát
huy những tác dụng tích cực như: Dự án Tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát
triển sản xuất, kinh doanh; Dự án Hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, khuyến
nông, khuyến lâm, khuyến ngư; Dự án Xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo ở các
vùng đặc biệt; Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo; Dự án Hỗ trợ sản
xuất và phát triển ngành nghề ở các xã nghèo; Dự án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
làm công tác xoá đói giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo; Dự án Tổ chức cho vay
vốn theo các dự án nhỏ giải quyết việc làm thông qua Qũy Quốc gia hỗ trợ việc
làm; Dự án Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người và vùng có nhiều khó
khăn; Dự án Tăng cường cơ sở vật chất các trường học…
Trong năm 2005, khu vực nông thôn có
3.671 hộ, chiếm tỷ lệ 2,38% được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong đó vùng
có tỷ lệ hộ được hỗ trợ cao miền núi là 69,79%, vùng cao 18,41%; đào tạo nghề
miễn phí cho 2.929 lượt người. Cũng trong năm 2005, khu vực nông thôn đã có
22.548 hộ (chiếm tỷ lệ 14,64%) được vay vốn theo các chương trình, dự án;
trong đó vùng có tỷ lệ hộ được vay cao là vùng miền núi 58,75%, trung du 24,3%.
Để tạo điều kiện cho những đối tượng
khó khăn ở khu vực nông thôn được khám chữa bệnh, Nhà nước có chủ trương cấp
miễn phí bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người dân ở các
xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, người dân các dân tộc thiểu số. Đến năm 2006,
khu vực nông thôn đã có 87.429 người (chiếm tỷ lệ 56,66%) và 15.406 hộ (chiếm tỷ
lệ 9,98%) được cấp miễn phí bảo hiểm y tế; trong đó các tỷ lệ tương ứng ở vùng
đồng bằng 2,81% và 1,84%; trung du là 10,12% và 10,7%; miền núi là 74,39% và
74,25%; vùng cao là 12,31% và 12,63%; vùng hải đảo là 0,38% và 0,58%.
3. Chính quyền xã được quan tâm về
điều kiện làm việc và nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cải cách
hành chính.
Xã là cấp cơ sở có vị trị
rất quan trọng trong việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước,
quyết định sự thành công của các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông
thôn. Vì vậy, ngoài kiến thức về chuyên môn kỹ thuật, đội ngũ cán bộ xã được
quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước,
chức danh chuyên môn của UBND xã đã được hưởng một số chính sách như công chức
nhà nước.
Cán bộ chủ chốt của xã tuổi
đời tiếp tục trẻ hoá, năng động, trình độ văn hoá, chuyên môn được nâng cao hơn
trước, từng bước được tiêu chuẩn hoá. Năm 2006, cán bộ chủ tịch UBND xã có trình
độ giáo dục trung học phổ thông chiếm tỷ lệ 79,2% (năm 2001 là 57,60%).
Trụ sở làm việc của Đảng uỷ
và Uỷ ban nhân dân xã được nâng cấp và hiện đại hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc quản lý, chỉ đạo điều hành được thông suốt, kịp thời giữa các cấp, các
ngành cũng như nhiều lợi ích khác. Đến năm 2006, có 52,6% trụ sở UBND xã được
xây dựng kiên cố, 94,8% trụ sở xã có máy điện thoại (năm 2001 là 82,6%), có 100%
trụ sở xã có máy vi tính và 4,1% trụ sở xã có máy vi tính kết nối mạng internet.
Tuy nhiên, mặt bằng về
trình độ cán bộ chủ chốt của xã, cũng như điều kiện làm việc của xã ở các vùng
trong tỉnh có sự chênh lệch nhau lớn. Nhiều huyện trình độ chuyên môn, lý luận
chính trị hoặc quản lý nhà nước của cán bộ chủ chốt của xã còn hạn chế. Số cán
bộ xã có trình độ về chuyên môn hoặc lý luận chính trị từ đại học trở lên còn
rất thấp, mới chiếm 11,7%. Đây là trở ngại không nhỏ trong việc đưa nông nghiệp,
nông thôn lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
4. Kinh tế nông thôn
phát triển theo hướng đa dạng hoá ngành nghề và đang dần phá thế thuần nông
nhưng quá trình đó diễn ra không đồng đều giữa các vùng.
4.1. Cơ cấu ngành nghề và cơ cấu
thu nhập của hộ nông thôn có sự thay đổi nhanh theo hướng tích cực.
Số hộ nông thôn toàn tỉnh tại thời
điểm 01/7/2006 là 154.291 hộ, tăng 9.033 hộ (+6,63%) so với năm 2001. Cơ cấu
ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi nhanh theo hướng tích cực, giảm số
lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng số lượng và tỷ trọng
nhóm hộ công nghiệp và dịch vụ. Đến 1/7/2006, số hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
ở nông thôn là 111.915 hộ, giảm 0,36%; số hộ công nghiệp, xây dựng là 11.672 hộ,
tăng 55,61%; số hộ dịch vụ là 26.141 hộ, tăng 25,23% so với năm 2001. So với năm
2001, tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản khu vực nông thôn giảm từ
77,62% xuống còn 72,54% (- 5,09), tỷ trọng hộ
công nghiệp và xây dựng tăng từ 5,18% lên 7,56% (+2,38%); tỷ trọng hộ dịch vụ từ
14,43% lên 16,94% (+2,52%). Tỷ trọng cả hai nhóm hộ công nghiệp, xây dựng và
dịch vụ đã tăng 4,9%, tỷ trọng nhóm hộ khác (hộ không hoạt động kinh tế) tăng
0,19%. Sự chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn thời kỳ 2001-2006 diễn ra nhanh và rõ
nét hơn so với các thời kỳ trước đây; trong đó, vùng trung du chuyển dịch tương
đối nhanh (tỷ trọng hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ từ 22,98% năm 2001 lên
32,13% năm 2006), tiếp đến là vùng miền núi (tăng từ 15,69% lên 22,17% trong
thời gian tương ứng).
Cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn năm
2001 và năm 2006
Cơ cấu hộ theo nguồn thu nhập chính
phản ánh xu hướng phát triển đa dạng hoá ngành nghề ở nông thôn. Phát triển
ngành nghề ngày càng đa dạng dần phá thế thuần nông ở nông thôn, và hiệu quả sản
xuất của các hoạt động phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản là nguyên nhân dẫn đến sự
khác biệt về cơ cấu hộ theo ngành nghề và theo nguồn thu nhập chính. Đến năm
2006, tỷ lệ hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 72,54% số hộ ở khu vực nông
thôn.
4.2. Cơ cấu ngành nghề của lao
động có sự chuyển dịch nhanh hơn so với cơ cấu ngành nghề của hộ và trình độ
chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn được nâng lên.
Cơ cấu hộ nông thôn theo nguồn thu nhập
chính năm 2001 và năm 2006
Sự chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề
của lao động ở khu vực nông thôn nhanh hơn so với cơ cấu ngành nghề của hộ. Tỷ
lệ số người trong tuổi lao động có khả năng lao động và trên tuổi thực tế có lao
động phân theo hoạt động chính trong 12 tháng qua là: cơ cấu lao động nông
nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao chiếm 68,9%, tuy nhiên so với năm 2001 tỷ lệ này giảm
6,67%; lao động công nghiệp – xây dựng chiếm 8,65% tăng 2,27% so năm 2001; lao
động dịch vụ chiếm 18,05% tăng 2,98% so với năm 2001; lao động không có việc làm
có chiều hướng tăng 4,39% so với năm 2001 (2,97%).
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong
việc đào tạo nghề miễn phí, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn
đã nâng lên. Tuy nhiên trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động ở khu vực nông
thôn còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng, gần 93,8% lao động chưa qua đào
tạo (năm 2001 là 94,5%); chỉ có 6,2% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ
sơ cấp trở lên (năm 2001 là 5,05%)
4.3. Hộ nông thôn tích cực đầu
tư phát triển sản xuất để tăng thu nhập, tăng tích luỹ góp phần xoá đói, giảm
nghèo ở khu vực nông thôn.
Hệ thống ngân hàng và tổ
chức tín dụng có vai trò quan trọng tạo nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh
doanh của hộ nông thôn.
Để có vốn sản xuất kinh
doanh, ngoài nguồn vốn tự có, các hộ nông thôn còn đi vay vốn của các ngân hàng
thương mại, các tổ chức tín dụng, quĩ hỗ trợ cho các chương trình, dự án và các
khoản vay trong dân. Năm 2005, tỷ lệ hộ vay vốn sản xuất kinh doanh chiếm
14,61%. Bình quân 1 hộ nông thôn vay 4,78 triệu đồng, nguồn vốn vay sản xuất
kinh doanh của hộ chủ yếu vay từ ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn,
tiếp đến là vay của ngân hàng chính sách xã hội.
4.4. Điều kiện sinh
hoạt của hộ nông thôn ngày càng được cải thiện.
Nhà ở khu vực nông thôn
được cải thiện cả về loại nhà và diện tích.
Những năm gần đây do kinh
tế hộ gia đình phát triển, tích luỹ trong dân tăng khá, nên hộ nông thôn đã đầu
tư xây mới và sữa chữa nhà ở khang trang hơn; mặt khác thực hiện chủ trương xây
nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách và hỗ trợ giúp đỡ người nghèo xoá
nhà tạm, nhà dột nát đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến năm 2006, khu vực
nông thôn có 9.212 hộ chiếm 5,97% hiện đang ở nhà kiên cố, có 106.638 hộ chiếm
69,11% đang ở nhà bán kiên cố và 19.257 hộ chiếm 12,48% đang ở nhà các loại nhà
khác. Vùng có tỷ lệ hộ hiện đang ở nhà kiên cố và bán kiên cố cao nhất là vùng
trung du (7,76%), các vùng còn lại có tỷ lệ ngang bằng nhau từ 5,02% - 5,76%.
Không những tăng tỷ lệ hộ nông thôn ở loại nhà kiên cố và bán kiên cố, mà diện
tích để ở bình quân 1 hộ của từng loại nhà cũng được cải thiện. Diện tích nhà ở
bình quân 1 hộ đạt 57,76 m2; trong đó hộ ở nhà kiên cố là 78,86 m2,
hộ ở nhà đơn sơ là 35,15 m2.
Mức trang bị đồ dùng lâu
bền của hộ nông thôn tăng nhiều so năm 2001.
Xu hướng chung là hộ nông
thôn ngày càng mua sắm đồ dùng đắt tiền dùng cho sinh hoạt. Tại thời điểm
1/7/2006, tỷ lệ hộ có xe máy là 66,48% tăng 30,64% so năm 2001, có ti vi màu là
72,02% tăng 33,35%, có đầu video/VCD là 48,43% tăng 28,17%, có tủ lạnh/tủ đá là
10,53% tăng 6,65%, có điện thoại cố định là 16,49%, có điện thoại di động là
9,16%, có quạt điện các loại là 80,22%.
Số
lượng một số đồ dùng lâu bền chủ yếu của hộ năm 2001 và năm 2006
Sử dụng nguồn nước hợp
vệ sinh cho ăn uống và các công trình vệ sinh đảm bảo môi trường có nhiều
tiến bộ.
Chương trình cung cấp nước
sạch nông thôn đạt được những kết quả khả quan với 42,26% số xã có công trình
cấp nước sinh hoạt tập trung, cùng với những nỗ lực của hộ nông thôn, các nguồn
cung cấp nước cho ăn uống ngày càng đảm bảo vệ sinh. Đến năm 2006, tỷ lệ hộ dùng
nguồn nước chính cho ăn uống là: nước máy 18,47% tăng 8,4% so năm 2001, nước mưa
là 3,2%, nước giếng khoan 11,69%, nước giếng xây 51,2%.
Để tránh ô nhiễm môi trường
và hạn chế nạn khai thác củi bừa bãi, sử dụng chất đốt dùng để nấu ăn của hộ
nông thôn đã được cải thiện. Đến năm 2006, tỷ lệ hộ nấu ăn bằng các loại chất
đốt như sau: dùng gas là 33,45%, dùng than là 20,84%, dùng củi là 43,66 và nguồn
khác là 0,63.
Tỷ lệ hộ sử dụng nhà tắm là
65,8%, tăng 31,8% so với năm 2001; trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nhà tắm xây là
42,45%. Vùng có tỷ lệ hộ sử dụng nhà tắm cao nhất là vùng miền núi 42,36%, tiếp
đến là vùng trung du 11,78% và thấp nhất là hải đảo 2,81%.
Tỷ lệ hộ có sử dụng nhà
tiêu là 67,8%; trong đó hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh là 47,2%, tăng 7,6% so
năm 2001 và nhà tiêu khác là 32,1%.
Tóm lại:
Trong những năm qua nông thôn tỉnh ta thực sự có những đổi mới mang tính toàn
diện. Kết cấu hạ tầng nông thôn đã được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cả về
chiều rộng và chiều sâu. Các điều kiện hỗ trợ, bảo đảm cho sản xuất kinh doanh
của hộ được tăng cường. Chính quyền xã từng bước được xây dựng hiện đại, chuyên
nghiệp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiến
triển nhanh theo hướng tích cực. Nhiều chính sách xã hội được Nhà nước quan tâm
thực hiện và đạt được những kết quả khả quan. Đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân ngày càng được cải thiện. Đó là kết quả đáng khích lệ trong việc tổ
chức thực hiện Nghị quyết 5 (khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010, nhất là các chương trình hỗ trợ đối
với những xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh những thành tựu
đạt được, nông thôn tỉnh ta còn những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm trong
thời gian tới. Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp
hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Về điện khí hoá, đến nay vẫn còn
9.225 hộ trên toàn tỉnh chưa có điện. Việc mở rộng và nâng cấp đường giao thông
nông thôn chưa đồng đều. Hệ thống giao thông
liên thôn chủ yếu mới được nâng cấp ở các vùng đồng bằng và trung du. Còn
3,1% trạm y tế xã chưa được xây dựng kiên cố và bán kiên cố, số trạm y tế xã
chưa có bác sỹ vẫn còn nhiều. Làng nghề và cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản
tăng nhanh, nhưng khâu xử lý nước thải, chất thải chưa được quan tâm đang là mối
đe doạ nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Một số vùng cơ cấu hộ nông, lâm
nghiệp và thuỷ sản vẫn chiếm tỷ lệ cao, ngành nghề phát triển chậm và tỷ lệ hộ
thuần nông cao. Chất lượng lao động nông thôn tuy đã có những tiến bộ, nhưng tỷ
lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn quá thấp chưa đáp ứng được
yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Về
đầu trang |