PHẦN I

MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ DU LỊCH

 I. Ngành du lịch: được xác định là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

II. Khái niệm khách du lịch: Là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của mình để đến một nơi khác trong thời gian ít hơn 12 tháng liên tục với mục đích chính của chuyến đi là thăm quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài việc tiến hành các hoạt động để đem lại thu nhập và kiếm sống ở nơi đến. Khái niệm khách du lịch này được áp dụng cho cả khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước và áp dụng cho cả khách đi du lịch trong ngày và đi du lịch dài ngày có nghỉ qua đêm.

1. Khái niệm khách du lịch quốc tế: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (cụ thể ở một địa phương nào đó của Việt Nam) là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của một nước đang thường trú đến Việt Nam trong thời gian ít hơn 12 tháng với mục đích của chuyến đi không phải để tiến hành các hoạt động nhằm đem lại thu nhập và kiếm sống ở Việt Nam.

2. Khái niệm khách du lịch trong nước: Khách du lịch trong nước là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của mình để đến một nơi khác ở trong nước với thời gian liên tục ít hơn 12 tháng và mục đích chính của chuyến đi để thăm quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài việc tiến hành các hoạt động nhằm đem lại thu nhập và kiếm sống ở nơi đến.

II. Khái niệm du lịch theo tour và du lịch không theo tour:

1. Những người du lịch theo tour: là những người đi theo các chuyến du lịch được tổ chức và phục vụ trọn gói hay không trọn gói do các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành đứng ra tổ chức. Những người du lịch theo tour được các đơn vị du lịch lữ hành lo phương tiện đi lại, ăn ở, các chương trình vui chơi giải trí, thăm quan... từ lúc bắt đầu chuyến đi cho đến khi kết thúc chuyến đi.

 2. Những người du lịch không theo tour: Là những người tự đứng ra tổ chức, sắp xếp chuyến đi cho mình hay cả đoàn về phương tiện đi lại, ăn ở, các chương trình vui chơi giải trí...

III. Khái niệm chi tiêu của khách du lịch: Chi tiêu của khách du lịch là tổng số tiền đã chi phí của khách du lịch trong suốt hành trình của chuyến đi, kể cả những khoản chi mua sắm trước chuẩn bị cho chuyến đi và những chi phí mua sắm đồ dùng, quà tặng, quà lưu niệm trong chuyến đi mang về dùng sau chuyến đi. Nhưng không bao gồm các khoản sau:

-   Tiền mua hàng hoá cho mục đích kinh doanh, có nghĩa là các hàng hoá mua về để bán lại cho khách du lịch khác, mua về để kinh doanh được kết hợp trong chuyến đi.

-   Tiền đầu tư, giao dịch hợp đồng của người đi du lịch như đầu tư mua nhà đất, bất động sản và tài sản quí giá khác (như xe ca, xe tải, thuyền, nhà nghỉ thứ hai), kể cả việc mua những tài sản này để sử dụng cho các chuyến đi du lịch trong tương lai được chi trong lần đi du lịch này cũng không được tính vào chi tiêu du lịch.

- Tiền mặt biếu họ hàng và bạn bè trong chuyến đi.

- Ngành du lịch, với ý nghĩa được đánh giá thông qua “Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA)” là một tiêu chuẩn quốc tế được Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc xây dựng. Thể hiện kết quả hoạt động du lịch mang lại trong các ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng, thương nghiệp, bưu chính viễn thông và các ngành dịch vụ khác. Do vậy doanh thu của du lịch không chỉ là doanh thu trực tiếp từ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng mà còn bao gồm các việc chi tiêu mua sắm hàng hóa, dịch vụ thăm quan, y tế, thông tin liên lạc... Trên cơ sở đó ngoài chỉ tiêu doanh thu thì các chỉ tiêu về lao động, nộp ngân sách... đều được tính toán phân bổ tương ứng.

PHẦN II

DU LỊCH BIỂN - XU THẾ PHÁT TRIỂN

Du lịch biển hiện là một thế mạnh của tỉnh có bờ biển dài 192 km, là giao điểm, cửa ngõ giao lưu về kinh tế - văn hoá – xã hội giữa các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ; cách thành phố Hồ Chí Minh 200 km. Với nhiều bãi biển đẹp, môi trường trong lành như: Mũi Né, Hòn Rơm, Hòn Bà, Ðồi Dương, Mũi Ðiện, Khe Gà, Cù Lao Câu.... Các bãi biển rất thuận lợi cho nghỉ dưỡng tắm biển với độ dốc thoai thoải, nước biển trong xanh và còn giữ được nhiều vẻ đẹp nguyên sơ. Đặc biệt đến Bình Thuận, du khách thường ghé thăm Mũi Né. Nơi đây thiên nhiên hòa quyện vào nhau tạo thành một bức tranh thủy mặc khổng lồ với những nét chấm phá mềm mại của cát trắng trên nền xanh của biển, trời và màu vàng của nắng. Du khách có thể thực hiện một hành trình ngoạn mục chinh phục đồi cát Mũi Né, tắm biển, đốt lửa trại và thưởng thức những sản vật mang hương vị mặn mòi của miền biển.

Nhờ có được tiềm năng lợi thế nhất định về du lịch biển và gần thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất của cả nước nên việc thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, cùng với đó là cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày được đầu tư hoàn thiện đồng bộ hơn, bước đầu hình thành các khu du lịch, cụm du lịch nổi tiếng có sức thu hút khách lớn. Tuy nhiên, điều còn làm băn khoăn cho các nhà quản lý cũng như doanh nghiệp du lịch tỉnh nhà là hình như chúng ta có sự hụt hơi về nguồn nhân lực và sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch.

Bình Thuận từ một tỉnh nghèo ven Biển duyên hải cực Nam Trung bộ, đầu Đông Nam bộ, hiện nay đã trở thành một trung tâm Du lịch lớn của cả nước nhờ sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24-10-1995. Năm 1997, resort đầu tiên tại VN đi vào hoạt động, đó là Coco Beach resort (Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) do chủ đầu tư người Pháp khai thác từ sự kiện nhật thực diễn ra tại bãi biển Mũi Né, Phan Thiết.  Gần đây nhất các sự kiện như: Cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010 với phần thi Trang phục truyền thống chính thức diễn ra tại Sea Links City - Mũi Né - Phan Thiết vào tháng 11/2010; Festival thuyền buồm Quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam “Thuyền - Biển - Mặt trời” (International Sailing Festival  “Sea & Sun & Sail”) đã diễn ra tại thành phố Phan Thiết vào đầu năm 2011. Hướng tới xây dựng ngành giải trí thuyền buồm đẳng cấp quốc tế tại vịnh biển Mũi Né, qua đó mời chào du khách trên toàn cầu đến với Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam; Tạp chí National Geographic cũng đã xếp hạng hai bãi Biển Nha Trang (Khánh Hòa) và Mũi Né (Bình Thuận) là 2 trong 99 bãi Biển đẹp nhất thế giới. Với ý nghĩa góp phần xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam trên bình diện toàn cầu. Trong Triển lãm Quốc tế du lịch TPHCM lần thứ 5 (ITE 5), Ban Tổ chức ITE 5 đã thống nhất chọn Bình Thuận làm “điểm nhấn” của du lịch VN.

Trong năm 2010, trong không khí chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và 15 năm Ngày du lịch Bình Thuận, ngành du lịch Bình Thuận tận dụng những lợi thế các bãi Biển đã phát huy được hiệu quả tốt. Ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết: “ trong lĩnh vực du lịch, nếu sản phẩm du lịch gồm những điểm đến, những khu nghỉ mát, vui chơi, giải trí, du lịch biển... là yêu cầu không thể thiếu thì loại hình du lịch sẽ là chiếc cầu nối kéo khách du lịch đến sử dụng sản phẩm”.   

Ngày 25/03/2004 Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2010 đây là một trong những Nghị quyết khá quan trọng đã hai lần thuờng vụ Tỉnh ủy sơ kết (2005-2006,2009), điều đó đã khẳng định vai trò du lịch đối với Tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lần thứ X và XI và mới đây nhất là Lần thứ XII (năm 2010) xác định “Đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao: Tập trung củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng du lịch Hàm Tiến – Mũi Né; tạo điều kiện phát triển nhanh du lịch về phía nam Phan Thiết đến Lagi và từng bước nối tuyến với Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc... Phát triển du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh kết hợp với hội nghị, hội thảo... Đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và các loại dịch vụ phục vụ du lịch”. Từ đó Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh được hình thành và đã hoạt động thường xuyên tích cực, tìm mọi biện pháp, xây dựng kế hoạch, từng bước tháo gỡ những khó khăn với quyết tâm cao, thực hiện đưa ngành du lịch của tỉnh nhà chuyển biến đáng kể. Không ngừng nâng cao về nhận thức du lịch, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và tác dụng nhiều mặt của du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Bên cạnh đó Hiệp hội du lịch tỉnh đã hoạt động tích cực làm cầu nối giữa các đơn vị du lịch và các cơ quan chính quyền hỗ trợ xúc tiến du lịch, quảng bá ra nước ngoài các sản phẩm du lịch của Bình Thuận.

Ngày 23/12/2010 UBND tỉnh Bình Thuận ra công văn về việc “chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý đối với các khu du lịch ven biển”. Nội dung nhấn mạnh Du lịch Bình Thuận trong những năm qua phát triển nhanh và đang trở thành một ngành kinh tế trọng điểm và yêu cầu Giám đốc các sở ngành, chủ tịch UBND các địa phương xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và triển khai thực hiện phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế biển đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cần huy động là 32.000 đến 35.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2011-2015 và 52.000-60.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020. Dự án phát triển kinh tế biển Bình Thuận đến năm 2020 bao gồm các hạng mục: phát triển các ngành kinh tế biển, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển và hải đảo, phát triển vùng kinh tế biển và trung tâm kinh tế biển, du lịch biển, vận tải biển…Phương hướng chủ đạo là xây dựng Bình Thuận trở thành vùng du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là vùng ven biển Phan Thiết - Mũi Né trở thành trung tâm du lịch quốc gia, thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch.

I.  Thuận lợi phát triển du lịch biển:

Bình Thuận với điều kiện tự nhiên có bờ biển dài, cùng với hàng trăm di tích lịch sử, di tích văn hóa, hàng chục loại đặc sản địa phương…để du khách thưởng ngoạn, tham quan mua sắm, đó là lợi thế của tỉnh. Trên bước đường hội nhập, kinh tế Bình Thuận sẽ thực sự đi lên bằng những định hướng đúng và từ tiềm năng, trong đó thế mạnh của ngành du lịch được xác định là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động của cả nước. Thực tế du lịch Bình Thuận có bước phát triển khá nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng, có vị trí xứng đáng trong bản đồ du lịch cả nước và quốc tế.

1. Một số danh lam thắng cảnh khu vực biển Bình Thuận.

-  Bãi biển Hòn rơm: Là tên một ngọn núi nhỏ vẫn còn hoang sơ. Trên núi này có một loại cỏ ống dài 0,50m, vào mùa nắng cháy, cỏ khô vàng. Từ lâu, ngư phủ ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng vẻ khô vàng giống như đụm rơm, nên mới gọi là Hòn Rơm. Ở khu vực Hòn rơm có nhiều bãi tắm đẹp, không bị ô nhiễm, có thể bơi ra xa. Các bãi tắm nối tiếp dài hàng chục cây số có khả năng tiếp nhận hàng vạn du khách cùng lúc. Dọc theo các bãi tắm có những rặng dừa xanh mát và dương liễu dáng vẻ yêu kiều, hấp dẫn khách nghỉ dưỡng có một loạt khu du lịch nằm sát cạnh nhau và có nhà nghỉ xây theo kiểu biệt thự đầy đủ tiện nghi.

- Đồi Cát Mũi Né (còn gọi là Đồi Hồng hoặc Đồi Cát bay): là đồi sa mạc cát liên tiếp với nhau, nằm cạnh bãi biển Hòn rơm. Đồi cát có màu sắc chính là vàng, là mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm kiến tạo nên. Gọi là đồi cát bay vì hình dáng của đồi Cát thay đổi theo giờ, theo ngày, theo tháng và không có hình dáng nhất định. Đồi cát rộng mênh mông bao la hàng chục ha và có thể nói cát thay đổi màu liên tục từ vàng sang hơi trắng, sang màu hồng tùy theo ánh sáng mặt trời.

- Suối Hồng: là một khe nước nhỏ ngay cạnh Hòn Rơm, khu vực này được du khách đặt cho là "Bồng Lai Tiên Cảnh". Trước đây, khe nước nhỏ này còn có tên gọi là Suối Tre. Không gian tại đây đỏ rực bởi màu cát và nằm cách bãi biển không xa lắm. Có hàng nghìn nhũ cát lô nhô chĩa thẳng lên trời như đỉnh tháp. Cát bị mưa gió bào mòn nên có nhiều hình thù kỳ lạ, nhưng cứng như đá. Từ trên cao nhìn xuống vào lúc chiều tối, khu vực này giống như một vùng lâu đài thành quách bị lãng quên. Giữa những đỉnh nhọn có những khe, hẻm nhỏ để người ưa thám hiểm leo trèo nhưng lối nào cũng hẹp chỉ đủ một bàn chân.

- Hòn Ghềnh (còn gọi hòn Lao): là một "thế giới" của sự hoang sơ và kỳ thú với những tầng san hô lạ mắt, nằm ngoài khơi, cách Mũi Né chưa đầy 1 km, cao 30 m so với mực nước biển. Từ trong đất liền nhìn ra, Hòn Ghềnh tựa như con rùa biển khổng lồ đang bơi vào bờ. Cho đến bây giờ, Hòn Ghềnh vẫn là ốc đảo hoang sơ, chỉ có cây dại, ghềnh đá và nhiều loài chim sinh sống, không có nhà dân, chỉ có một ngôi miếu thờ ông Nam Hải, ngư dân thay nhau hương khói quanh năm.

- Suối Tiên kỳ ảo (Hàm Tiến-Phan Thiết): Là nơi giao thoa của màu sắc thiên nhiên. Phía bên này chạy ra biển bạc sóng là màu xanh ngút mắt của dừa, của cỏ. Chạy theo dòng nước ra tới biển là bạt ngàn thảm muống biển nở hoa tím. Còn phía bên kia suối là đồi cát trải dài, biến đổi theo đường đi của gió lộng, có lúc như bình nguyên, lắm khi là dốc thẳm. Từ đây vệt lửa cháy trên cát chạy băng băng tới tận Hàm Thuận, Tuy Phong, có khi nhao ra biển như những hàm răng của rồng lửa.

- Lầu Ông Hoàng (Phú Hài-Phan Thiết): Quần thể du lịch Lầu ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn Núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc, bên cạnh là nhóm đền tháp Chăm Pôshanư gần 100 m  về phía Nam. Được xây dựng vào năm 1917. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này và đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu Ông Hoàng càng có ý nghĩa.

- Đồi Dương-Phan Thiết:  Là một bãi tắm tọa lạc ngay trung tâm thành phố Phan Thiết. Sở dĩ có tên gọi "Đồi Dương" là do khi xưa, nơi đây là một vùng rộng lớn trồng rất nhiều cây phi lao (dương) chắn gió. Đồi Dương từ lâu trở thành bãi tắm quen thuộc của người dân và nhiều du khách khi đến TP Phan Thiết. Bờ biển nông, cát thoải, biển êm, nước trong xanh, môi trường thiên nhiên ở đây rất trong lành. Gần bên có sân golf Phan Thiết là sân golf được hình thành đầu tiên ở Bình Thuận.

- Cù Lao Câu  (Tuy Phong) : Cù Lao Câu là một hòn đảo nổi lên giữa biển, cách bờ chừng 9 km. Có chiều dài trên 1500 m và chiều rộng lớn nhất 800m, nhỏ nhất 300 m, nơi cao nhất hơn 7 m. Toàn đảo bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ. Từ rất xa xưa người Chăm đã từng xây dựng ở đây một đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y Ana, sau này  xây dựng một đền thờ thần Nam Hải (cá voi). Trên đảo có giếng cạn-dạng nước nhĩ có thường xuyên - sách xưa gọi là Giếng Tiên.  Hiện nay Cù Lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, trong tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng về du lịch sinh thái.

- Chùa Cổ Thạch (Bình Thạnh- Tuy Phong): Còn gọi là chùa Hang trên ngọn núi cao 64 m, lúc đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ do Thiền sư Bảo Tạng khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Về sau chùa được xây dựng lại khang trang với tên gọi chùa Cổ Thạch. Đứng trên chùa Hang, du khách có thể phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng cả vùng bãi biển mênh mông xanh biếc với rất nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt. Cách chùa Hang không xa là Hang Gió và từ đây nhìn ra biển, bạn có thể thấy được bãi Cà Dược, bãi sỏi bảy màu (những viên sỏi trơn nhẵn có nhiều màu sắc khác nhau: từ trắng muốt, đen tuyền, xanh, vàng nhạt đến xám, nâu, rồi tím sẫm) uốn cong theo bờ biển xanh. Một làng du lịch Cổ Thạch mới được dựng lên với nhiều ngôi nhà xinh xắn theo kiểu nhà sàn để đón du khách về viếng chùa và thưởng ngoạn thắng cảnh.

- Bãi đá 7 màu (Bình Thạnh-Tuy Phong):  Quần thể du lịch bãi đá với 7 sắc màu- biển Bình Thạnh. Gần chùa Hang và từ trên cao nhìn xuống thấy nơi này thật thú vị, biển hiện ra ngay trong tầm mắt xanh thẳm. Điều đặc biệt là bờ thì không phải là cát mà là những viên đá nhỏ đủ màu sắc và hình thù trải dài ven biển…

- Lương Sơn đồi cát (Bắc Bình):  Từ Hòn Rơm - Mũi Né đi dọc theo bờ biển về hướng bắc 37 km sẽ tới  đồi cát điệp điệp trùng trùng huyễn hoặc - mặt cát vòng cong, lõm, uốn lượn - vũng xuống, nhồi lên - nhiều dáng vẻ, sắc nét lạ thường, mây vần vũ - trời xanh biếc - gió lộng - bóng đổ dài...Đặc biệt ở đây cái lạ là có các ao sen, súng được bao quanh chạy dài bởi các đồi cát có tên Bàu Ông, Bàu Bà. Bàu nước lớn dài trên 4 km rộng 400 m chia làm hai phía: phía ngoài Bàu Ông nhỏ dài; phía trong Bàu Bà rộng, sâu... Hoa sen, hoa súng nở quanh năm, có rất nhiều cá: cá rô, cá lóc, cá trê...

- Bạch Hồ, đồi Trinh Nữ, vùng thiên nhiên trinh nguyên kỳ thú (Bàu Trắng-Bắc Bình): Bạch Hồ (dân gian gọi là Bàu Trắng) gồm Bàu Ông và Bàu Bà nằm trong một vùng đồi cát trắng mênh mông như hoang mạc. Mặt hồ phẳng lặng, trong xanh và không một gợn sóng. Có người bảo rằng, dưới đáy hồ có một cái hang ăn thông ra biển. Nằm sát bờ hồ về hướng đông là những đồi cát trắng phau chạy dài hàng cây số (đặt tên là đồi Trinh Nữ) cũng bởi vì màu cát trắng tinh khôi của nó. Hiện Công ty Walt Disney - một tập đoàn thuộc lĩnh vực công nghệ giải trí lớn nhất thế giới đang có một dự án đầu tư khoảng 10 triệu USD để xây dựng nơi này thành một trung tâm giải trí du lịch với nhiều hạng mục đồ sộ.

- Khu du lịch sinh thái Đồi Sứ (Thuận Qúy – Hàm Thuận Nam): Tổng diện tích 14 ha với khung cảnh thơ mộng của bãi biển, rừng phi lao xanh ngát đượm nét hoang sơ, tinh khiết của núi, rừng, biển.

- Hải đăng Khe Gà (Tân Thành-Hàm Thuận Nam): Ðảo Khe Gà rộng 5 ha, trên đảo có hàng trăm cụm đá hoa cương vàng rực muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây sứ đại thụ. Giữa đảo là ngọn Hải đăng cao 54 m được xây dựng vào năm 1899 (trên 100 tuổi). Có một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước cửa vào Hải đăng khắc năm 1899 và tất cả những khối đá hoa cương dùng xây Hải đăng đều đã được chạm, khắc thành từng ô, từng hình cạnh khớp với nhau.

- Bãi biển Ngãnh Tam Tân (Tân Tiến- La Gi): với lợi thế bờ biển chạy dài, bằng phẳng, lại nằm cạnh Di tích lịch sử - văn hóa dinh Thầy Thím. Cùng với biển xanh và nắng vàng rực rở và còn có “Hồ Núi Đất” lặng lẽ và thơ mộng, hoang sơ mà hữu tình, đậm nét hồn quê. Có Mỏm Đá Chim một bãi đá thấp, bề mặt được sóng bào mòn, xưa kia từng là nơi hội tụ của nhiều loài chim biển. Gần đó là các bãi biển đồi dương Cam Bình, Tân Bình và các làng chài ven biển.

- Huyện đảo Phú Quý: Cách Phan Thiết 56 hải lý (100km) với diện tích 32 km2. Trên đảo có nhiều ngôi chùa lớn như chùa Linh Quang, chùa Cao Cát, vạn An Thần... được công nhận là di tích văn hoá lịch sử. Bờ biển với những dải cát trắng mịn, nước trong màu ngọc bích; bao quanh đảo là 9 hòn đảo nhỏ, đặc biệt là Hòn Tranh, Hòn Ðen, Hòn Trứng... là những điểm du lịch sinh thái biển đầy hấp dẫn.

2. Một số lễ hội hàng năm được tổ chức thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và ngày càng nâng tầm qui mô lớn.

Các ngày lễ lớn trong năm, nhất là các lễ hội truyền thống của địa phương đã được tổ chức thực hiện với qui mô lớn hơn, nâng lên một tầm cao hơn, thông qua đó kết hợp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng sản xuất kinh doanh của địa phương, các dịch vụ du lịch. Không bỏ lỡ cơ hội, các chương trình lễ hội, các hội chợ đều tổ chức các khu ẩm thực nhằm giới thiệu hương vị đậm đà của những món ăn miền biển được người dân bản xứ chế biến một cách tinh tế từ sản vật thiên nhiên của quê hương Bình Thuận. Đây là những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, mong muốn cho du lịch Bình Thuận phát triển với tốc độ nhanh và bền vững hơn. Một số lễ hội chính thường được tổ chức hàng năm như sau:

- Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết: Theo truyền thống lễ hội tổ chức vào ngày 16 đến 20 tháng 7 âm lịch, đậm đà màu sắc Trung Hoa. Người dân Phan Thiết và ước tính gần 5 vạn du khách đổ về hưởng một ngày lễ hội đông vui, nhiều ý nghĩa.

- Lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang: hàng năm vào tháng giêng âm lịch với ý nghĩa làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành. Lễ hội được tổ chức tại tháp Chàm Pô-Sha-Nư tọa lạc trên một ngọn đồi có tên "Lầu Ông Hoàng" (gắn liền với tên tuổi của danh nhân Hàn Mặc Tử), cách thành phố Phan Thiết 6 km về phía đông bắc.

- Lễ hội Katê: tổ chức vào tháng 7 âm lịch, nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 km về phía bắc. Ðền thờ được xây dựng để thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa.

- Lễ hội Cầu ngư: là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân, còn gọi là lễ Hạ Nghệ, hay lễ xuống nghề, ra khơi đánh bắt cá đầu mùa. Ngư dân các vạn chài tổ chức tế thần Nam Hải, cầu biển yên sóng lặng, mùa vụ bội thu. Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức hàng năm vào ngày 20/4 âm lịch.

-   Lễ hội dinh Thầy Thím: tổ chức vào 14 - 16/9 âm lịch thuộc  Tân Hải, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Có ý nghĩa suy tôn Thầy và Thím, hai vợ chồng có công chữa bệnh cho dân nghèo.

- Lễ hội rước đèn Trung thu vào đêm rằm tháng 8: hàng ngàn lồng đèn đua nhau toả sáng rực rỡ trong màn đêm đó cũng là lễ hội lớn hoành tráng và được xem là lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam (đã được đưa vào Guinness Việt Nam).

- Lễ hội Đua thuyền được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 2 tết âm lịch , nhằm tạo không khí vui tươi hòa cùng không khí ngày tết và giúp ta không quên bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống.

3. Các khu du lịch và các tuyến du lịch tại Bình Thuận được hình thành và ngày càng được mở rộng, hoàn thiện hơn.

Hiện nay du lịch Bình Thuận hình thành nhiều khu du lịch như Khu du lịch Mũi Né - Tiến Thành (Phan Thiết), Khu du lịch ven biển Lagi, Khu du lịch ven biển Bắc Bình, Khu du lịch ven biển Tuy Phong, Khu du lịch sinh thái Hàm Thuận Nam, Khu du lịch sinh thái Đa Mi, Khu du lịch sinh thái Sông Quao (Hàm Thuận Bắc), Khu du lịch sinh thái Biển Lạc (Tánh Linh), Khu du lịch sinh thái Thác Reo (Đức Linh).

Cùng với khu du lịch là các tuyến du lịch đã và đang được hình thành chủ yếu như: Tuyến Phan Thiết – Tuy Phong (Chùa Hang, Gành Son, Bãi Đá Màu…); Tuyến Mũi Né – Hòn Rơm – Hoà Thắng (Bàu Trắng, Đồi cát bay Mũi Né…); Tuyến Tiến Thành – Thuận Quý – Tà Cú – Kê Gà (Ngọn Hải Đăng, cáp treo Tà Cú…); tuyến Phan Thiết – Hàm Thuận Bắc (Sông Quao, Thuỷ Điện ĐaMi..) ...

Đây là những nơi thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng biển; du lịch sinh thái biển, rừng kết hợp; du lịch vườn; các loại hình du lịch thể thao trên biển; du lịch văn hoá lịch sử, các làng nghề đặc trưng…để thu hút du khách.

II. TÌNH HÌNH CHUNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH 2005-2010

Đa dạng hóa sản phẩm, từng bước hướng tới một thương hiệu du lịch Bình Thuận đặc trưng, kết hợp các hoạt động quảng bá có trọng điểm. Các khu du lịch tập trung đầu tư theo hướng lợi thế có bờ biển đẹp và gắn với môi trường sinh thái. Tạo ra một nơi lý tưởng nghỉ dưỡng, điều dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và rừng kết hợp, các loại hình du lịch thể thao trên biển; du lịch văn hoá lịch sử, các làng nghề đặc trưng…du lịch Bình Thuận đang trở thành một điểm đến hấp dẫn.

1.  Số cơ sở lưu trú và vốn, lao động:

Lượt người đến du lịch tỉnh Bình Thuận càng ngày càng nhiều cho thấy ngành du lịch đang trên đà phát triển, năng lực hoạt động tăng nhanh thể hiện qua số buồng, số giường của các cơ sở lưu trú được đầu tư mở rộng không ngừng.

a) Số cơ sở lưu trú:

Phục vụ cho du lịch có nhiều ngành, nhưng các cơ sở khách sạn, nhà hàng vẫn là ngành chủ yếu, nhìn chung số lượng các cơ sở chia theo các thành phần kinh tế đều tăng, trong đó kinh tế ngoài nhà nước thể hiện tính năng động, tăng nhanh. Các dự án đầu tư nước ngoài mặc dầu số lượng chưa nhiều nhưng bước đầu là những đầu tàu thúc đẩy đầu tư cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận với tốc độ tăng cao. Với những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra của tỉnh trong giai đoạn này: phát triển du lịch được nâng lên hàng đầu và ổn định ngành thương mại, đó cũng là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

Tổng số cơ sở hiện có ngành thương mại, khách sạn - nhà hàng và dịch vụ gần 42.125 cơ sở, trong đó ngành thương mại gần 26.550 cơ sở, ngành khách sạn - nhà hàng khoảng 10.460 cơ sở.

Riêng tổng số cơ sở lưu trú năm 2010 có 478 cơ sở (không tính các cơ sở cho sinh viên, học sinh thuê ở dài ngày) tăng 48,9% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 8,3%. Loại khách sạn phát triển nhanh hơn như sau:

-   Khách sạn có 138 cơ sở tăng 105,9% so với năm 2005 và bình quân hàng năm tăng 15,55%.

-   Nhà nghỉ, lưu trú khác có 340 cơ sở tăng 33,85% so với năm 2005 và bình quân hàng năm tăng 6,01%.

Loại khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao có 108 cơ sở tăng 140% so với năm 2005, tăng bình quân hàng năm 19,14%. Qui mô loại hạng cao không ngừng được đầu tư nâng lên như:

-      Khách sạn 4 sao năm 2005 chỉ có 5 cơ sở chiếm tỷ lệ 11,1% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2010 có 14 cơ sở chiếm tỷ lệ 12,96% trong tổng số (tăng bình quân hàng năm 22,87%).

-      Khách sạn 3 sao năm 2005 chỉ có 10 cơ sở chiếm tỷ lệ 22,2% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2010 có 24 cơ sở cũng giữ tỷ lệ 22,2%, (tăng bình quân hàng năm 19,14%).

-      Khách sạn 2 sao năm 2005 chỉ có 18 cơ sở chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2010 có 25 cơ sở chiếm tỷ lệ 32,4% (tăng bình quân hàng năm 14,2%).

-      Khách sạn 1 sao năm 2005 chỉ có 12 cơ sở chiếm tỷ lệ 26,67% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2010 có 35 cơ sở chiếm tỷ lệ 32,41% (tăng bình quân hàng năm 23,87%).

Xác định được ý nghĩa rộng lớn của ngành du lịch mang lại, cùng với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nhất là ngành du lịch biển, do vậy trong những năm qua với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy đảng và UBND các cấp, hoạt động du lịch của Bình Thuận đã và đang có sự chuyển biến tích cực, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nó. Chính quyền các cấp của tỉnh đã có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để thúc đẩy du lịch phát triển ổn định. Cùng với những chủ trương đúng đắn, định hướng phù hợp và nhiều chính sách thiết thực khuyến khích phát triển du lịch theo hướng toàn diện, đồng bộ, Bình Thuận đã có bước đột phá trong tổ chức chỉ đạo quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển vững chắc các khu du lịch, làng du lịch, phát triển các cơ sở lưu trú quy mô và nâng cao chất lượng phục vụ.

b) Lao động và vốn kinh doanh:

 Tổng số lao động trong năm 2010 của ngành du lịch có 20.642 người tăng 203,9% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 24,9%.

Nguồn nhân lực và vốn kinh doanh du lịch của tỉnh có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ du lịch là Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm, Trường Trung cấp nghề, Trường Cao đẳng cộng đồng và Truờng Đại học Phan Thiết hàng năm đào tạo khoảng 500 học viên. Vấn đề quan tâm là cần đổi mới phương pháp đào tạo, không chỉ đào tạo cho họ kỹ năng mà còn đào tạo về lối sống, đạo đức và lý tưởng để có một nền tảng vững chắc, chủ động trong phục vụ khách hàng của mình. Trong các năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục để nhận thức về du lịch, năng lực giao tiếp, ứng xử của dân cư được chú trọng tạo điều kiện thân thiện với du khách, làm cho môi trường giao tiếp được cởi mở hơn. Các cơ sở lưu trú, Resort, hàng năm ngoài việc gửi đi đào tạo các trường lớp, cũng đã tổ chức tại chỗ nhiều khóa bồi dưỡng ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho quản lý cơ sở lưu trú du lịch, các lớp nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tiếp tân, hướng dẫn viên, thuyết minh du lịch. Tuy nhiên, do các cơ sở du lịch phát triển nhanh nên cơ cấu chức vụ, các lao động có trình độ tay nghề cao, đặc biệt ở các vị trí như quản lý, điều hành phải thuê ở tỉnh ngoài, nước ngoài.

Tổng số nguồn vốn ngành du lịch năm 2010 có 7.490 tỷ đồng tăng 337,6% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 34,4%.

Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là giải pháp chính giải phóng lực lượng sản xuất toàn xã hội, thu hút được các nguồn lực trong dân cư vào sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện ở quy mô vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đều tăng trong những năm qua. Với việc tích cực huy động nhiều nguồn vốn, tích cực đầu tư phát triển mở rộng sản xuất là một trong những tiền đề tồn tại, phát triển cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Thực tế trong những năm gần đây, tỉnh đã nỗ lực kêu gọi các dự án về du lịch nhiều hơn bao giờ hết. Do vậy vốn phát triển sẽ không dừng lại ở mức tăng này mà khả năng sẽ cao hơn nhiều.

2. Kết quả hoạt động du lịch 2005-2010:

a) Số lượng lượt khách, ngày khách :

Hoạt động du lịch đã mang lại những kết quả đáng khích lệ ngày càng trở thành ngành quan trọng nâng dần tỷ trọng GDP chiếm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó các doanh nghiệp du lịch mà chủ yếu là các resort và khách sạn,  giữ vị trí quyết định trong việc thu hút du khách đến vui chơi. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành du lịch đã gặp không ít khó khăn trong việc thu hút du khách nhất là du khách quốc tế (so với năm trước lượt khách năm 2008 tăng 11%, năm 2009 chỉ tăng 9,9%). Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch đã họp bàn để đề ra nhiều biện pháp tháo gỡ như kích cầu, tăng cường xúc tiến du lịch ra nước ngoài, tổ chức nhiều đoàn tham dự hội chợ về du lịch tổ chức ở các nước Nga, Đức, Hà Lan v.v.. khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nâng chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí v.v… nhờ vậy lượng khách đến Bình Thuận vẫn tăng so với các địa phương khác, thể hiện qua kết quả sau:

  + Lượt khách phục vụ: Năm 2005 là 1.250.936 lượt khách thì năm 2010 được 2.500.202 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 14,85%. Trong đó lượt khách ngủ qua đêm năm 2005 là 921.794 lượt khách thì năm 2010 được 2.000.162 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 16,76%.

Riêng khách quốc tế: Năm 2005 là 128.029 lượt khách thì năm 2010 được 250.321 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 14,4%. Trong đó lượt khách ngủ qua đêm năm 2005 là 113.387 lượt khách thì năm 2010 được 232.500 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 16,3%.

+ Tổng số ngày khách phục vụ: Năm 2005 là 1.250.936 ngày khách thì năm 2010 được 3.400.200 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 17,4% . Trong đó khách quốc tế: Năm 2005 là 263.833 ngày khách thì năm 2010 được 720.000 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 22,24%.

Đối với dịch vụ du lịch lữ hành (phục vụ thuê tour trọn gói từ Bình Thuận đi đến các tỉnh khác) còn ít đơn vị nên lượt khách phục vụ năm 2005 có 4.575 lượt khách thì năm 2010 được 14.835 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 26,5%. Tổng số ngày khách phục vụ năm 2005 có 31.812 ngày khách thì năm 2010 được 105.329 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 27,1%. Đây là mảng yếu của du lịch Bình Thuận, chủ yếu là Công ty lữ hành ngoài tỉnh khai thác du khách trong tỉnh.

Cùng với việc nỗ lực quảng bá thương hiệu về du lịch ra thị trường nước ngoài, mở rộng cơ sở vật chất và nâng chất lượng phục vụ, bản đồ du khách quốc tế đến Bình Thuận ngày càng mở rộng. Từ năm 2005 đến du lịch Bình Thuận chỉ có 152 nước, vùng, lãnh thổ thì đến năm 2010 có 171 nước vùng, lãnh thổ. Trong năm 2007 để nâng cao cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Nga tại Bình Thuận, Công ty Du lịch lữ hành Lan Ta - An Travel là công ty du lịch lữ hành Việt - Nga đầu tiên được thành lập tại Bình Thuận. Do vậy, cơ cấu du khách Nga ngày càng tăng lên rõ rệt. Người Nga, người Đức thích Mũi Né và cho rằng Mũi Né là nơi nhiều nắng gió và thích hợp với các môn thể thao trên biển vốn được họ ưa chuộng. Còn người Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến Việt Nam là bởi vì họ yêu thích những danh lam, thắng cảnh và hâm mộ nền văn hoá truyền thống của chúng ta. Do vậy cần phải nghiên cứu sâu sở thích của mỗi du khách của mỗi nước.

Cơ cấu số lượng lượt khách quốc tế theo nước so với tổng số lượt khách quốc tế xếp từ cao xuống thấp như sau:

 

Cơ cấu (%)

Năm
2005

Năm
2006

Năm
2007

Năm
2008

Năm
2009

Năm
2010

Tổng số

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

Liên Bang Nga

4,1

5,7

8,7

13,1

24,7

34,2

CH Liên Bang Đức

13,7

14,2

11,9

15,0

15,4

12,5

Mỹ

10,5

10,0

10,4

8,1

6,2

5,6

Pháp

10,9

9,4

10,0

8,1

6,2

5,6

CH Hàn Quốc

7,8

7,1

9,7

7,0

5,6

4,4

Thụy Điển

3,1

2,6

2,0

5,3

5,2

3,6

Ô-xtrây-li-a

5,8

6,1

7,2

6,2

4,8

4,3

Hà Lan

4,0

4,0

4,4

3,6

3,5

3,0

Vương quốc Anh

6,4

6,1

5,3

5,3

4,1

3,7

Trung Quốc

2,1

1,8

2,8

2,5

3,1

3,6

Ca-na-đa

3,4

3,0

3,1

4,1

2,3

1,9

Thụy Sỹ

2,0

2,4

1,9

2,6

2,1

1,7

Nhật Bản

3,7

3,8

3,1

1,8

1,7

1,4

Phần Lan

1,1

1,2

1,7

1,7

1,7

1,1

Áo

1,4

1,1

1,2

2,1

1,4

1,2

Thái Lan

0,6

0,6

1,0

0,7

0,6

1,0

Đan Mạch

1,6

1,1

1,5

2,2

1,1

0,9

Đài Loan

2,0

1,7

1,0

1,1

1,0

1,2

Bỉ

1,1

0,7

1,0

1,0

0,9

0,8

Xin-ga-po

0,9

0,6

1,1

0,8

0,7

0,7

Malaisia

0,4

0,6

0,5

0,6

0,4

0,7

Vương quốc NaUy

0,8

0,8

0,6

0,7

0,6

0,6

Italia

1,1

1,3

1,0

0,8

0,7

0,6

Niu-zi-lân

1,3

0,7

1,1

0,7

0,6

0,5

Các nước khác

10,2

13,4

7,8

4,9

5,4

5,2

Mùa du khách quốc tế theo các tháng thường tập trung cao ở những tháng đầu năm (Tết âm lịch của nguời phuơng Đông) và những tháng cuối năm (rơi vào kỳ nghỉ Đông), thể hiện qua biểu đồ số lượt khách quốc tế theo tháng qua 5 năm 2006-2010 như sau:

 

b) Chi tiêu - doanh thu du lịch 2005-2010:

Doanh thu du lịch nằm trong nhiều ngành kinh tế, mà trước hết là toàn bộ cơ sở lưu trú, đóng góp phần không nhỏ là các cơ sở nhà hàng, ăn uống và một số cơ sở kinh doanh trong các ngành khác. Do vậy chỉ có thể tính được doanh thu du lịch trên cơ sở điều tra chi tiêu du khách. Thực tế  trong các năm vừa qua doanh thu du lịch Bình Thuận tăng khá cao. Năm 2010 đạt 2.539 tỷ đồng tăng 315,3% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 32,95%. nếu so với mức tăng bình quân 5 năm giai đoạn trước 2001-2005 cao hơn 12,4%.

Nhiều Resort khách quốc tế chiếm phần lớn không ngừng đầu tư mở rộng thêm nhiều loại giải trí phong phú như khu dã ngoại, lướt ván diều, lướt ván buồm, sân gôn, tắm bùn nước khoáng (bùn khoáng + nước khoáng + rong biển + dược thảo + nước biển) ... Do vậy chi tiêu khách quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện qua mức tăng doanh thu du lịch khách quốc tế cao hơn rất nhiều so với khách nội địa. Cụ thể mức tăng khách quốc tế và nội địa như sau:

+ Doanh thu du lịch khách quốc tế năm 2010 đạt 1.166 tỷ đồng tăng 396,7% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 37,8%. Doanh thu từ khách quốc tế có cơ cấu tăng: Năm 2005 chiếm tỷ lệ 38,4% trong tổng doanh thu du lịch thì năm 2010 nâng lên chiếm tỷ lệ 45,92%

+ Doanh thu du lịch khách nội địa năm 2010 đạt 1.373 tỷ đồng tăng 264,6% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 29,5%. Tuy nhiên cơ cấu doanh thu khách nội địa trong tổng doanh thu du lịch giảm:  Năm 2005 chiếm tỷ lệ 61,6%. Điều này cho thấy chi tiêu từ khách quốc tế có chuyển biến tích cực về cơ cấu, xu hướng ngày càng tăng rõ nét thể hiện các dịch vụ du lịch phục vụ cho khách quốc tế được đa dạng hóa, phong phú hơn, đã có những dịch vụ cao cấp phục vụ nhu cầu khách du lịch hạng sang như sân gôn, lặn biển... doanh thu khách du lịch nội địa mặc dù cơ cấu giảm, tuy nhiên lượng khách vẫn tăng đều cho thấy du lịch Bình Thuận đã có chú ý đến phân khúc thị truờng loại khách có mức sống trung bình.

Với mức tăng doanh thu du lịch như trên, có thể nói hoạt động ngành du lịch của tỉnh đã có những bứt phá trong những năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, thúc đẩy và lôi kéo các ngành dịch vụ và các ngành nghề khác phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm thay đổi đáng kể bộ mặt xã hội và đời sống một bộ phận dân cư.

- Tốc độ tăng trưởng GDP ngành du lịch giai đoạn 2006-2010:  Năm 2005 đạt 297 tỷ đồng thì năm 2010 đạt 1.320 tỷ đồng. Bình quân tăng trưởng GDP ngành du lịch hàng năm tăng 34,7%.

- Tỷ lệ GDP của ngành du lịch chiếm trong GDP của tỉnh có xu thế chuyển biến tăng khá như: Năm 2005 chiếm tỷ lệ 3,67% thì năm 2010 chiếm tỷ lệ trên 5,7%. Tuy với tỷ lệ  tổng giá trị tăng thêm của ngành du lịch hiện nay so với tổng thể chung chưa cao, nhưng vừa là động lực để thúc đẩy các ngành phụ trợ khác phát triển mạnh.

Kết quả phát triển doanh thu du lịch (chi tiêu du khách) do các ngành dịch vụ du lịch mang  lại trong 5 năm qua như sau:

 

Doanh thu du lịch (Triệu đồng)

So sánh (%)

Năm 2005

Năm 2010

Năm 2010 so 2005

Tăng trưởng bình quân hàng năm

Tổng số

611.315

2.538.985

415,33

32,95

Tiền thuê phòng

187.688

821.816

437,86

34,36

Tiền ăn uống

174.276

813.886

467,01

36,10

Tiền đi lại

80.173

315.641

393,70

31,53

Chi phí tham quan

16.425

184.412

1122,75

62,20

Chi mua hàng hoá, quà lưu niệm

102.483

271.228

264,66

21,49

Chi dịch vụ văn hoá, thể thao

18.811

41.240

219,23

17,00

Chi phí y tế

2.375

5.462

229,98

18,12

Chi khác

29.084

85.300

293,29

24,01

Điều đáng lưu ý là cơ cấu chi tiêu du lịch theo các ngành dịch vụ trong 2 năm gần đây có xu hướng chuyển biến tăng theo các ngành dịch vụ ngoài thuê phòng cho thấy du khách ngày càng thể hiện xu thế dành chi tiêu khác ngoài ở nhiều hơn, điều này cho thấy cần tăng cường các sản phẩm vui chơi, giải trí, ẩm thực theo nhu cầu đa dạng của du khách, c thể như sau:

-   Tiền thuê phòng: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 35,3% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 34,3% và năm 2010 chiếm tỷ lệ 32,37% (giảm dần).

-   Tiền ăn uống: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 27,19% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 28,91% và năm 2010 chiếm tỷ lệ 32,06% (tăng dần).

-   Tiền đi lại: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 14,63% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 11,67% và năm 2010 chiếm tỷ lệ 12,43%.

-   Chi phí tham quan: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 6,79% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 6,75% và năm 2010 chiếm tỷ lệ 7,26%.

-   Chi mua hàng hoá, quà lưu niệm: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 10,62% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 11,47% và năm 2010 chiếm tỷ lệ 10,68%.

-   Chi dịch vụ văn hoá, thể thao: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 2,33% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 2,85% và năm 2010 chiếm tỷ lệ 1,62%.

-   Chi phí y tế: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 0,47% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 0,72% và năm 2010 chiếm tỷ lệ trên 0,22%.

-   Chi khác: Năm 2008 chiếm tỷ lệ 2,66% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 3,39% và năm 2010 chiếm tỷ lệ trên 3,36%.

Cơ cấu chi tiêu khách du lịch như sau:

 

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng số

100,00

100,00

100,00

Tiền thuê phòng

35,32

34,25

32,37

Tiền ăn uống

27,19

28,91

32,06

Tiền đi lại

14,63

11,67

12,43

Chi phí tham quan

6,79

6,75

7,26

Chi mua hàng hoá, quà lưu niệm

10,62

11,47

10,68

Chi dịch vụ văn hoá, thể thao

2,33

2,85

1,62

Chi phí y tế

0,47

0,72

0,22

Chi khác

2,66

3,39

3,36

Doanh thu du lịch lữ hành: 2010 đạt 65,5 tỷ đồng tăng 305,9% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 32,3%.

Xuất khẩu dịch vụ du lịch tại chỗ: Riêng đối với doanh thu du lịch khách quốc tế  nếu tính chỉ tiêu xuất khẩu du lịch tại chỗ trong 5 năm qua: Năm 2005 đạt 14,8 triệu USD, năm 2006 đạt 20,7 triệu USD, năm 2007 đạt 27,9 triệu USD và năm 2008 đạt 37,7 triệu USD, năm 2009 đạt 48,1 triệu USD, năm 2010 đạt 60,5 triệu USD. Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 32,5% đã đóng góp ngày càng cao hơn trong kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh.

Số thuế nộp ngân sách ngành du lịch: 2010 đạt 180,7 tỷ đồng gấp 4,93 lần so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 37,6%.

c) Năng lực hoạt động cơ sở lưu trú:

Gắn với du lịch là sản phẩm du lịch, do vậy tỉnh ta đang phấn đấu nâng cao sản phẩm du lịch, đa dạng cả về số lượng và chất lượng nhằm ngày càng thu hút du khách trong nước và ngoài nước nhiều hơn, đồng thời tạo nhiều sản phẩm du lịch giải quyết nhu cầu chi tiêu du khách trong nước và nước ngoài  phong phú hơn, giữ du khách ở dài ngày hơn. Một số chỉ tiêu chủ yếu về chất lượng như hệ số buồng, giường cho thấy năm sau cao hơn năm trước, song việc khai thác công suất sử dụng buồng giường còn nhiều hạn chế so với tiềm năng du lịch của tỉnh. Có thể thấy qua các năm như sau:

+ Tổng số buồng: năm 2005 là 5.410 thì năm 2010 nâng lên có 9.053 buồng bình quân hàng năm tăng 10,85%. 

+ Tổng số giường: năm 2005 là 10.259 thì năm 2010 nâng lên có 17.037 giường bình quân hàng năm tăng 10,7%.

+ Hệ số sử dụng buồng: năm 2005 được 49,4% thì năm 2010 nâng lên 56,32%.

+ Hệ số sử dụng giường: năm 2005 được 47,5% thì năm 2010 nâng lên 54,68%.

+ Hệ số ngày lưu trú (độ dài ngày bình quân một lượt khách): năm 2005 được 1,65 lượt thì năm 2010 đạt 1,70 lượt. Trong đó khách quốc tế năm 2005 được 2,33 thì năm 2010 nâng lên 3,10.

Doanh thu bình quân ngày/1 du khách: năm 2005 được 0,401 triệu đồng năm 2010 nâng lên 0,747 triệu đồng. Trong đó khách quốc tế năm 2005 được 0,890 triệu đồng thì năm 2010 nâng lên 1,619 triệu đồng.

Nhìn chung, thông qua tốc độ tăng doanh thu du lịch và các hệ số sử dụng buồng giường, độ dài ngày du khách lưu trú, bình quân doanh thu một ngày của một du khách, có thể nhận xét như sau:

-   Tốc độ tăng doanh thu và cơ sở lưu trú phù hợp với quy mô và mức độ phát triển du lịch hiện nay.

-   Các hệ số sử dụng buồng, giường bước đầu tăng không cao do các cơ sở lưu trú vẫn đang đầu tư theo chiều rộng, một số cơ sở lưu trú mới đi vào hoạt động nên hệ số sử dụng còn rất thấp. Mặt khác thời kỳ du khách đến không đều, khách đến nhiều nhất là trong những ngày lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật (có lúc quá tải đối với các cơ sở lưu trú ở Khu du lịch Mũi Né). Nhưng ngược lại cũng có nhiều cơ sở lại không có khách hoặc là khách rất ít vào các ngày bình thường, tiềm năng du lịch của tỉnh nhà dồi dào nhưng khả năng khai thác, xúc tiến du lịch hạn chế.

-   Doanh thu bình quân ngày/1 du khách chưa cao, do một số lượng lớn du khách đến Bình Thuận lưu trú ngắn ngày (Các hãng du lịch các tour đến Phan Thiết hoặc tự sắp xếp đi thường chỉ 1 ngày đến 3 ngày nên du khách trong nước có số ngày lưu trú thấp), một số lượng không nhỏ có thu nhập thấp nên chi tiêu có mức độ còn hạn chế.

-   Mặt khác chi tiêu bình quân của du khách còn thấp, hệ số sử dụng phòng, giường không cao phần nào do cơ sở hạ tầng chưa tương ứng, các trung tâm thương mại, khu mua sắm chưa nhiều cho du khách; Các sản phẩm du lịch chưa được đa dạng hóa.

- Việc triển khai thực hiện đầu tư các cơ sở hạ tầng ở một số khu du lịch còn chậm so với yêu cầu. Số dự án du lịch chưa triển khai xây dựng, chưa đi vào hoạt động kinh doanh chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số dự án đầu tư nguyên nhân phần lớn là vướng đền bù giải tỏa, dự án khai thác cát đen. Môi trường vệ sinh tại các khu du lịch chưa cải thiện nhiều.

III. Du lịch biển xuyên suốt và góp phần chủ yếu phát triển du lịch Bình Thuận

Thực hiện tốt chương trình kích cầu du lịch 2010 “Việt Nam - Điểm đến của bạn”. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy sự tăng trưởng về lượng khách, nhất là khách du lịch có thu nhập cao. Để thực hiện tốt chương trình kích cầu, các resort-khách sạn và dịch vụ du lịch khu vực du lịch biển xây dựng kế hoạch thật cụ thể để hưởng ứng chiến dịch bán hàng giảm giá “Impressive VietNam Grand Sale 2010” vào mùa thấp điểm (từ tháng 7 đến tháng 9) nhằm thu hút khách du lịch. Tích cực tham gia chiến dịch xúc tiến tại chỗ với khẩu hiệu “Việt Nam thân thiện chào đón bạn” và phát triển đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Du lịch Bình Thuận cũng tiếp tục phát triển và diễn ra sôi động, nhất là loại hình du lịch biển đã khẳng định thế mạnh của địa phương, điều đáng ghi nhận là du lịch Bình Thuận ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn được đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch. Điển hình như các dự án đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên khai trương đón khách trong năm qua: Novela Mui Ne, Amaryllis Resort, Sài Gòn- Suối Nhum, L’anminen Mui Ne Resort & Spa…

Các cơ sở lưu trú đang hoạt động nằm trong khu vực biển chiếm phần lớn trong du lịch Bình Thuận và ngày càng được nâng cao về số lượng, sản phẩm dịch vụ du lịch. Số cơ sở lưu trú chiếm 282 cơ sở chiếm 59% trong tổng số cơ sở lưu trú toàn tỉnh, trong đó doanh nghiệp có 120 cơ sở chiếm 75% trong tổng số doanh nghiệp lưu trú toàn tỉnh và cá thể có 162 cơ sở chiếm 51% trong tổng số có sở cá thể lưu trú toàn tỉnh. Số buồng có 6.666 buồng chiếm 73,6% trong tổng số toàn tỉnh, số giường có 11.350 giường chiếm 74,8% trong tổng số toàn tỉnh.

Doanh thu du lịch của vùng biển chiếm tỷ lệ phần lớn, đạt  2.255,4 tỷ đồng chiếm 88,8% trong tổng số doanh thu du lịch toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 1.141,6 tỷ đồng chiếm 83,2% trong tổng doanh thu du lịch khách nội địa và khách quốc tế 1.113,8 tỷ đồng chiếm 95,5% trong tổng doanh thu du lịch khách quốc tế.

Tổng lượt khách đạt 1.863.502 lượt chiếm 74,5% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua đêm 1.525.814 lượt chiếm cơ cấu 81,9% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa đạt 1.635.904 lượt chiếm 72,7% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế đạt 227.598 lượt chiếm 90,9% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 2.697.444 ngày chiếm 79,3% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa đạt 2.019.520 ngày chiếm 75,4% trong tổng ngày khách nội địa và khách quốc tế đạt 677.924 ngày chiếm 94,2% trong tổng ngày khách quốc tế. Tỷ lệ lượt khách, ngày khách phục vụ của các cơ sở lưu trú cao hơn so với tỷ lệ số lượng cơ sở và nhất là tỷ lệ khách quốc tế cho thấy qui mô các cơ sở lưu trú lớn hơn các cơ sở khác ngoài vùng biển rất nhiều và điểm đến khách du lịch quốc tế chủ yếu là du lịch biển.

Những ưu thế của vùng biển đạt được thể hiện cụ thể qua các điểm đến nghỉ ngơi, giải trí như sau:

* Hòn rơm – Mũi Né (Phan Thiết):

Bao gồm 58 cơ sở lưu trú chiếm 12,7% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó có 34 Resort – khách sạn (có 2 Resort đạt tiêu chuẩn 4 sao và 5 Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Doanh thu du lịch đạt 346 tỷ đồng, chiếm 13,6% trong tổng số toàn tỉnh (doanh thu buồng giường đạt 112 tỷ đồng), trong đó khách nội địa 185,8 tỷ đồng chiếm 13,5% trong tổng doanh thu du lịch khách nội địa và khách quốc tế 160,7 tỷ đồng chiếm 13,8% trong tổng doanh thu du lịch khách quốc tế.

Tổng lượt khách đạt 465.067 lượt chiếm 21,1% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua dêm 352.546 lượt chiếm cơ cấu 75,8% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa là 424.872 lượt chiếm 21,5% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế là 40.195 lượt chiếm 18,1% trong tổng lượt khách quốc tế .

Tổng ngày khách đạt 612.249 ngày chiếm 18% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 497.606 ngày và khách quốc tế là 114.643 ngày.

Một số sự kiện lớn diễn ra tại khu vực biển Hòn Rơm-Mũi né như:

+ Tại Suối Nước- Mũi Né, Bình Thuận đã tổ chức cuộc thi 3 môn phối hợp quốc tế mang tên “Le Fruit Triathlon” lần thứ 8 diễn ra với 180 VĐV đến từ 20 quốc gia trên thế giới đã tham dự cuộc tranh tài quốc tế các môn phối hợp gồm 3 nội dung: Bơi trên biển, chạy xe đạp địa hình và chạy bộ trên bãi biển.

+ Cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2010 với phần thi Trang phục truyền thống diễn ra tại Sea Links City- Mũi Né- Phan Thiết với chủ đề “Đêm đại dương rực sắc”. Đây là phần thi quan trọng, luôn được chờ đợi trong các cuộc thi hoa hậu trên thế giới bởi vẻ đẹp ấn tượng và lạ mắt nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.

+ Festival thuyền buồm quốc tế tổ chức tại Mũi Né sẽ có khoảng 20 đội tuyển thuyền buồm đại diện cho khoảng 20 quốc gia tham dự như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Úc, New Zealand, Tây Ban Nha, Bỉ, Hy Lạp, Thụy Điển, Pháp, Hà Lan, Đức, Mỹ, Argentina…

* Rạng – Hàm Tiến (Phan Thiết):

Đây là nơi tập trung số lượng Resort - khách sạn qui mô lớn, nhiều nhất và cũng là nơi thu hút nhiều khách quốc tế cao nhất. Ngoài ra nơi đây còn thường xuyên diễn ra các lễ hội du lịch, giải thể thao (Lướt ván buồm) nhiều màu sắc cùng với cung cách phục vụ chuyên nghiệp có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô và có chiều sâu. Số cơ sở lưu trú nhiều nhất trong các khu vực biển, có 115 cơ sở chiếm 25,2% trong tổng số toàn tỉnh (trên ¼), trong đó có 56 Resort– khách sạn (có 09 Resort đạt tiêu chuẩn 4 sao và 13 Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Khách quốc tế phần lớn tập trung khu vực biển này, chính vì thế nơi đây luôn chiếm ưu thế về doanh thu góp phần lớn tăng trưởng so với các địa điểm khác trong toàn tỉnh, doanh thu du lịch đạt 1.245,6 tỷ đồng chiếm 49,1% trong tổng số toàn tỉnh (gần 1 nửa), trong đó khách nội địa đạt 653,8 tỷ đồng chiếm 47,6% trong tổng doanh thu du lịch khách nội địa và khách quốc tế đạt 591,8 tỷ đồng chiếm 50,8% trong tổng doanh thu du lịch khách quốc tế. Doanh thu buồng giường đạt 403,2 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đạt 829.524 lượt chiếm 37,7% trong tổng số (Lượt khách ngủ qua dêm 728.346 lượt chiếm cơ cấu 87,8% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa 707.414 lượt chiếm 35,8% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế 122.100 lượt chiếm 55,1% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 1.314.426 ngày chiếm 44,6%, trong đó khách nội địa  920.487 ngày và khách quốc tế là 393.948 ngày.

Tại đây, doanh nghiệp Seahorse Resort & Spa Phan Thiết, Bình Thuận đã vinh dự lọt vào TOP 10 khách sạn 4 sao hàng đầu Việt Nam năm 2009, đây là một vinh dự không chỉ cho khu du lịch Seahorse Resort & Spa mà là vinh dự chung cho khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận. Trong thời gian đến sẽ có nhiều resort tại địa bàn Hàm Tiến - Mũi Né đạt được những giải thưởng tương tự, khẳng định rằng: Hàm Tiến - Mũi Né là điểm đến không thể thiếu trong lòng du khách.

* Khu Du lịch Phú Hài (Phan Thiết):   

Bao gồm 19 cơ sở lưu trú chiếm 4,2% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó có 6 Resort – khách sạn (có 3 Resort đạt tiêu chuẩn 4 sao).

Doanh thu du lịch đạt 291,9 tỷ đồng, chiếm 11,5% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó doanh thu buồng giường đạt 94,4 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đạt 129.958 lượt chiếm 5,9% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua dêm 101.994 lượt chiếm cơ cấu 78,5% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa là 95.639 lượt chiếm 4,8% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế là 34.319 lượt khách chiếm 15,5% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 205.257 ngày chiếm 6,9% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 110.079 ngày và khách quốc tế là 95.178 ngày.

* Khu du lịch Đồi Dương-Tiến thành (Phan Thiết):

Bao gồm khu Đồi Dương-Phan Thiết nằm ngay trung tâm thành phố Phan Thiết và vùng bãi biển Hồn Giồ-Tiến Thành (mới được phát triển). Có 37 cơ sở lưu trú chiếm 8,1% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó có 9 Resort – khách sạn (có 2 Resort đạt tiêu chuẩn 4 sao và 1 Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Doanh thu du lịch đạt 173,7 tỷ đồng, chiếm 6,9% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó doanh thu buồng giường đạt 56,2 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đạt 191.868 lượt chiếm 8,7% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua dêm 165.794 lượt chiếm cơ cấu 86,4% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa là 156.685 lượt chiếm 9,8% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế là 9.109 lượt khách chiếm 4,4% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 257.348 ngày chiếm 8,7% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 230.414 ngày và khách quốc tế là 26.934 ngày.

* Khu du lịch biển Tuy Phong:

Bao gồm khu vực Cù lao câu, bãi biển Vĩnh Tân, Bình Thạnh (Chùa Hang), nơi đây chưa có nhiều cơ sở du lịch lớn nhưng có nhiều cơ sở lưu trú nhỏ ở bãi biển Bình Thạnh và gần chùa Hang. Hiện có 29 cơ sở lưu trú chiếm 6,7% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó có 3 Resort – khách sạn.

Doanh thu du lịch đạt 23,8 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó doanh thu buồng giường đạt 7,7 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đạt 79.700 lượt chiếm 3,6% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua dêm 56.084 lượt chiếm cơ cấu 70,4% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa là 78.628 lượt chiếm 4% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế là 1.072 lượt khách chiếm 0,5% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 80.283 ngày chiếm 2,7% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 77.735 ngày và khách quốc tế là 2.548 ngày.

        * Suối nhum – Hải Đăng Khe Gà (Hàm Thuận Nam):

Đây là khu du lịch mới phát triển vẫn còn khá hoang sơ, bao gồm 7 cơ sở lưu trú chiếm 6,6% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó có 7 Resort – khách sạn (có 4 Resort đạt tiêu chuẩn 3 sao) chưa có cơ sở lưu trú nhỏ.

Doanh thu du lịch đạt 132,6 tỷ đồng, chiếm 5,2% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó doanh thu buồng giường đạt 42,9 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đạt 74.071 lượt chiếm 3,4% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua dêm 73.507 lượt chiếm cơ cấu 99,2% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa là 67.105 lượt chiếm 3,4% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế là 6.966 lượt khách chiếm 3,1% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 117.474 ngày chiếm 4% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 82.680 ngày và khách quốc tế là 34.794 ngày.

* Khu Du lịch Biển La Gi:

Bao gồm khu vực Bãi biển Bình Tân - Tân Tiến, có điểm đến du lịch Mỏm Đá Chim, Dinh Thầy thím quen thuộc với nhiều khách hành hương, đây cũng là một khu du lịch mới tại La Gi, một vùng biển còn vắng người và có những thắng cảnh và di tích khá ấn tượng. Hiện có 16 cơ sở lưu trú chiếm 3,5% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó có 5 Resort – khách sạn (trong đó có Resort Spa – Mỏm Đá Chim đạt tiêu chuẩn 4 sao).

Doanh thu du lịch đạt 41,7 tỷ đồng, chiếm 1,6% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó doanh thu buồng giường đạt 13,5 tỷ đồng.

Tổng lượt khách đạt 60.746 lượt chiếm 2,8% trong tổng số toàn tỉnh (Lượt khách ngủ qua dêm 49.571 lượt chiếm cơ cấu 81,6% trong tổng lượt khách), trong đó khách nội địa là 58.631 lượt chiếm 3% trong tổng lượt khách nội địa và khách quốc tế là 2.115 lượt khách chiếm 1% trong tổng lượt khách quốc tế.

Tổng ngày khách đạt 92.488 ngày chiếm 3,1% trong tổng số toàn tỉnh, trong đó khách nội địa là 88.057 ngày và khách quốc tế là 4.431 ngày.

+ Đã triển khai xây dựng giai đoạn 2 công trình Courtyard by Marriott – Hàm Tân Resort tại Bình Thuận với giá trị 80.99 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích gần 6 ha với quy mô gồm 200 phòng, bao gồm nhiều hạng mục khác nhau: khu vui chơi – giải trí, khu bể bơi, câu lạc bộ dành cho trẻ em, phòng trò chơi, khu vực spa, massage...

+ Dự án quần thể khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân có tổng diện tích khoảng 200 ha trải dài trên 2 km bờ biển La Gi tỉnh Bình Thuận, gần di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím, Mỏm Đá Chim, chùa núi Tà Cú, mũi điện Khe Gà, cách TP HCM 180 km, Phan Thiết 60 km và Vũng Tàu 70 km. Đây là một quần thể bao gồm các hạng mục công trình, phục vụ thương mại, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, văn hoá thể thao và khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp...có tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng (150 triệu USD) và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2012.

Du lịch Bình Thuận trước đây và trong tương lai gần, xác định đi lên từ du lịch biển là chủ yếu. Do vậy đầu tư tập trung trọng tâm vào khu vực biển, đây là nỗ lực của các cấp. Trong thời gian qua tỉnh đã nỗ lực đầu tư hoàn thành một trục đường ven biển bắt đầu từ xã Tân Thắng (Hàm Tân) qua Tân Hải – Tân Tiến (La Gi) kéo dài đến xã Tân Thành - Khe Gà (huyện Hàm Thuận Nam) và Tiến Thành (Phan Thiết), từ Mũi Né (Phan Thiết) kéo dài đến Hòa Thắng (Bắc Bình) và sẽ đến Tuy Phong. Trục đường này đang và sẽ biến những vùng ven biển kể trên trở thành một trục du lịch liên hoàn của tỉnh cùng với những Resort, khu giải trí qui mô lớn.

Tỉnh cũng rất quan tâm đến chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch như xây dựng chương trình tour du lịch đặc thù để hình thành tuyến du lịch liên kết theo tuyến phục vụ du khách trong và ngoài nước như TP.HCM – Đà Lạt – Phan Thiết – TP.HCM, TP.HCM – Phan Thiết – Đà Lạt - TP.HCM, Phan Thiết – TP.HCM – Đà Lạt – Phan Thiết. Kế hoạch tại Ngày hội du lịch TP.HCM năm 2011, lần đầu tiên sẽ có gian hàng triển lãm chung của 3 địa phương theo chủ đề “Biển Mũi Né – Hoa Đà Lạt – Chợ TP.HCM”.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch được tăng cường trên nhiều mặt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, chấp hành nghiêm túc các qui định của nhà nước về đăng ký kinh doanh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn du khách, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, niêm yết giá…góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch.

IV. Các dự án và công trình kết cấu hạ tầng phát triển ngành du lịch

Dựa trên thế mạnh ưu đãi của thiên nhiên, với sự tích cực của UBND các cấp cùng với các nhà doanh nghiệp nên cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày được đầu tư hoàn thiện đồng bộ hơn, bước đầu hình thành các khu du lịch, cụm du lịch nổi tiếng có sức thu hút khách lớn. Bình Thuận đã kêu gọi đầu tư xây dựng khá nhiều khu du lịch biển, tập trung vào ba vùng chính. Nhất là các dự án liên doanh hàng trăm tỷ đồng cũng được đầu tư dọc tuyến đường Phan Thiết - Mũi Né - Hòn Rơm tạo cho nơi đây gần giống một thành phố du lịch nhỏ đầy lôi cuốn. Du lịch Bình Thuận ngày càng có nhiều dự án quy mô lớn được đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch.

- Cụm du lịch Phan Thiết - Mũi Né, nơi có dải bờ biển dài gần 20 km với các bãi tắm đẹp, có rừng dừa, đồi cát, có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển: leo đồi, câu cá, tắm biển, thể thao lướt sóng, dã ngoại.

 - Cụm du lịch Tuy Phong, một huyện phía bắc tỉnh, cách Phan Thiết 95 km, nằm ở vị trí giữa các trung tâm du lịch lớn trong vùng, có quốc lộ 1A chạy qua và cảng biển Cà Ná là điều kiện thuận lợi để các khu du lịch hoạt động. Ngoài lợi thế về vị trí và giao thông, Tuy Phong là nơi hội tụ của tài nguyên thiên nhiên và nhân văn với các bãi biển và những dãy núi, hang động đẹp, huyền ảo ở Vĩnh Hảo, Bình Thạnh, La Gàn, Cù Lao Câu cùng các thắng tích chùa Cổ Thạch, đình làng Bình An, nhóm đền tháp Chăm Phú Lạc.

- Cụm du lịch La Gi - Hàm Thuận Nam nổi tiếng nằm về phía nam thành phố Phan Thiết, có cảnh quan hùng vĩ với bãi tắm Ðồi Dương, Khe Gà, Suối Nhum và các di tích Dinh Thầy Thím, Ðập Ðá Dựng, ngọn Hải Ðăng cổ ở Mũi Ðiện và nhất là hệ thống chùa núi Tà Cú được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Ðây là nơi cư trú của các loài động vật, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đẹp, môi trường thoáng đãng thích hợp cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Các tuyến xe buýt hình thành từ phục vụ du lịch: Tiến Lợi - Mũi Né - Hòn Rơm; Tiến Lợi - Ma Lâm - Hàm Trí; Phan Thiết - Phú Long - Ngã ba Gộp - Lương Sơn; Phú Long - Phan Thiết - Tà Cú; Phan Thiết - Khe Gà - Tân Thành; Phan Thiết - Mương Mán - Hàm Cần; La Gi - Tân Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Phương tiện xe buýt ngoài ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự giao lưu kinh tế - xã hội giữa các địa phương, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân từ các các đô thị vệ tinh vào trung tâm Thành phố trên các trục quốc lộ, giảm tai nạn giao thông. Đồng thời còn là phương tiện thuận lợi phổ biến an toàn, đặc biệt là những chuyến đi chắc chắn sẽ đến các điểm du lịch muốn đến.

Các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh có số lượng ngày càng tăng với quy mô ngày càng lớn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 404 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực (không kể 29 dự án đầu tư dịch vụ du lịch), với tổng diện tích đất cấp là: 8.410,2 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là: 61.372 tỷ đồng. Trong đó có 35 dự án đầu tư nước ngoài (không kể 09 dự án đầu tư dịch vụ du lịch), với tổng diện tích đất cấp là 3.129,5  ha và tổng vốn đăng ký là: 26.129,7 tỷ đồng.

Tổng số dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động là 124 dự án (không kể 8 dự án đầu tư dịch vụ du lịch); trong đó có 28 dự án vừa kinh doanh, vừa xây dựng. Đang xây dựng, san ủi, trồng cây là 92 dự án, vướng đền bù 73 dự án. Hiện nay còn nhiều dự án làm các thủ tục về thiết kế xây dựng, xin giấy phép xây dựng, thuê đất, vướng đền bù...Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu đền bù giải tỏa đất đai ở những nơi có dự án du lịch triển khai. Việc đền bù giá đất một số nơi chưa hợp lý do điều chỉnh không kịp với sự lên giá đất một cách nhanh chóng. Do vậy, bên cạnh vấn đề tích cực kêu gọi các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, hàng năm số lượng các dự án du lịch được chấp thuận tăng khá, nhưng không tránh khỏi những dự án còn lại nằm trong tình trạng không triển khai, xây dựng dở dang, kéo dài, chậm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số dự án quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh như khu du lịch cao cấp Hòn Rơm-Mũi Né 107 ha, Khu du lịch sinh thái kết hợp điều dưỡng Medisealand 77 ha, dự án Hố Lở 278 ha, khu du lịch thung lũng Đại Dương (Tiến Thành) 999 ha, Khu du lịch Deverton (Bắc Bình) 100 ha, dự án Hòn Lan 100 ha, dự án du lịch sinh thái vườn Đức Nhi (Hàm Thuận Nam) 57,8 ha, dự án Sài Gòn-Hàm Tân 200 ha, dự án Nhà nghỉ biển -biệt thự và sân golf Sơn Mỹ 177 ha, dự án Khu du lịch và dịch vụ quốc tế cao cấp (Hàm Tân) 330 ha…

Một số dự án lớn được triển khai xây dựng trong những năm gần đây tại khu vực biển Rạng-Hàm Tiến như:

+ Chợ đêm sẽ được xây dựng ở  khu phố 1 phường Hàm Tiến (mặt bằng khoảng 4 ngàn mét vuông, đối diện với resort Làng Thụy Sĩ) với khoảng 150 gian hàng, trong đó, nội dung chủ yếu là hoạt động kinh doanh mang nhiều đặc trưng văn hóa và quan trọng nhất là không gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chợ đêm khi đi vào hoạt động sẽ tập trung vào việc trưng bày và bán các sản phẩm như: sản phẩm truyền thống của địa phương và của dân tộc Chăm; mặt hàng lưu niệm là sản phẩm đặc trưng của địa phương như: tranh cát, tranh thêu, sản phẩm từ vỏ ốc, vỏ sò, từ cây dừa...

+ Dự án khu biệt thự biển Legend Sea Phan Thiết (Bình Thuận) tọa lạc tại vùng biển thuộc xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 8 km; có quy mô tổng thể 278 ha vừa được triển khai, được xem là chuẩn nhất của tỉnh Bình Thuận, tiềm năng sẽ trở thành một trong những khu du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu của Việt Nam.

+ Khu du lịch Salina Resort với phong cách kiến trúc Địa Trung hải chính thức đi vào hoạt động. Với tổng diện tích khoảng 2 ha, tọa lạc số 132 đường Nguyễn Đình Chiểu đi ngang “khu phố Tây” Phan Thiết, Salina Resort quyến rũ bởi thiết kế mở hướng biển. Salina resort nằm cách thành phố Phan Thiết 12 km về hướng Đông Bắc, ẩn mình giữa những rặng dừa mát mẻ cùng một bên là đồi cát trắng, một bên là bãi biển xanh ngắt tạo nên một khung cảnh sơn thủy hữu tình thích hợp với những du khách yêu thiên nhiên và cảm giác yên tĩnh.

Một số dự án lớn được triển khai xây dựng trong những năm gần đây tại khu vực biển Phú Hài như:

+ Sea Links Resort có diện tích tổng thể 166 ha, bao gồm khách sạn Sea Links Beach gần 135 ha nằm trên những đồi cát dọc đường Nguyễn Thông (Phú Hài) với 4 khu biệt thự được gọi là Sea View (Cảnh biển), Royal Garden (Vườn thượng uyển), Paradise (Thiên đường) và Panoramic (Toàn cảnh). Cụ thể là 247 biệt thự cao cấp có diện tích từ 400m² đến 1.000m² và 1 khách sạn cao cấp 200 phòng đầy đủ tiện nghi, nội thất sang trọng, với hệ thống nhà hàng, hồ bơi, phòng trà, nhà tránh nắng, cửa hàng bán dụng cụ chơi golf, massage...  Đặc biệt có Sân golf 18 lỗ đạt chuẩn quốc tế được xây dựng trên những đồi cát lớn và hoàn toàn tự nhiên chạy dọc ven biển, có 3 mặt giáp biển. Với sự đầu tư qui mô lớn và hiện đại, Sea Links Resort được hình thành từ những đồi cát, ở độ cao 60m, có nơi cao 95m so với mực nước biển, chạy dài ven biển từ Phú Hài đến Hàm Tiến, thành phố Phan Thiết, chỉ có duy nhất cây xương rồng bản địa sống được, trở thành một quần thể sân golf - biệt thự - khách sạn cao cấp đẹp nhất…

+ Dự án Khu dịch vụ du lịch thương hiệu Hoàng Long - Phan Thiết, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, xây dựng một khu dịch vụ du lịch hiện đại trên diện tích 19.675m2 tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Theo thiết kế, khu dịch vụ du lịch Hoàng Long bao gồm nhiều hạng mục chức năng như: hệ thống nhà hàng cao cấp, khu siêu thị và mua sắm, chuỗi câu lạc bộ vui chơi giải trí, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, hệ thống các công trình dịch vụ tiện ích hiện đại phụ trợ chuyên phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm của du khách trong và ngoài nước. Đây là những dự án không những góp phần cung cấp thêm nhiều loại hình dịch vụ cho nhu cầu của du khách, mà còn tạo động lực cho các dự án đầu tư xây dựng những trung tâm dịch vụ, giải trí, thương mại cao cấp cho thành phố du lịch Phan Thiết đang phát triển.

Một số dự án lớn được xây dựng khu vực biển Đồi Dương-Tiến thành như:

+ Khách sạn Diamond được xem là kiến trúc cao nhất ở khu trung tâm thành phố Phan Thiết hiện nay. Với chiều cao 14 tầng, có 115 phòng nghỉ cao cấp với trang thiết bị và lối trang trí mang phong cách châu Âu. Ngoài ra, khách sạn còn có nhiều khu chức năng khác nhau, Diamond Park Hotel cung cấp đầy đủ phương tiện dịch vụ hoàn chỉnh với một trung tâm kinh doanh, Spa & Massage, phòng tập thể dục và tất cả mọi thứ một khách sạn đẳng cấp quốc tế đáp ứng đầy đủ nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan thành phố biển Phan Thiết.

+ Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp Leagend Sea tọa lạc tại xã Tiến Thành - thành phố Phan Thiết chạy dọc  bờ biển hơn 3 km, ven theo những con đường uốn lượn quanh co, các đồi dốc thoai thoải cùng rừng cây xanh thẳm có quy mô của dự án nằm trên diện tích 278 ha. Đây là 1 trong những dự án lớn với Khu Resort 5 sao, khách sạn Butique, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu cắm trại và picnic, khu ăn uống, sân golf mini, công viên vui chơi và giải trí, khu thể dục thể thao và trung tâm thẩm mỹ… với tổng vốn đầu tư là 11.051 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm tạo nên một khu du lịch và dân cư cao cấp với nhiều yếu tố đặc sắc để trở thành một khu du lịch nổi tiếng với phần lớn là cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp sinh thái, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, yên bình.

Điều đáng chú ý là khu du lịch Novotel Phan Thiết (Bình Thuận) vừa được tổ chức Green Globe (Hệ thống toàn cầu về định chuẩn) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Toàn cầu xanh, trở thành khu du lịch đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận này.

Bên cạnh đó có dự án xây dựng bến cảng du lịch kết hợp phục vụ du lịch tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Được xem là cảng du lịch đầu tiên ở Bình Thuận, dự án có quy mô diện tích dự án gần 10 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Theo thiết kế, ngoài khu vực cảng dành cho tàu thuyền du lịch hoạt động, dự án còn có nhiều khu chức năng phòng nghỉ, vui chơi, giải trí khác để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và tham quan của du khách trong và ngoài nước. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng.

Một số dự án lớn được xây dựng khu vực biển Hàm Thuận Nam như:

+ The Princess D'Annam Resort & Spa là khu nghỉ mát nghệ thuật đầu tiên tại Việt Nam nằm trên vịnh Khe Gà nguyên sơ và tách biệt, một thiên đường thôn dã thanh bình và sang trọng, các biệt thự độc đáo và khu spa tiện nghi bậc nhất. Smart Travel Asia, một trong những tạp chí du lịch – thương mại có số lượng độc giả đông đảo nhất ở Đông Nam Á, đã vinh danh bốn khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam, trong đó có KDL Princess d’Annam Bình Thuận vào danh sách bình chọn Những điểm đến lý tưởng nhất năm 2010. 

+ Khu du lịch sinh thái biển vịnh Đá Nhảy (Rock Bay Resort) với diện tích 13 ha, vốn đầu tư khoảng 257,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Dự án nghỉ dưỡng biển này được xây dựng tại vùng biển yên bình của khu du lịch Tân Thành - Hàm Thuận Nam, phía Nam thành phố Phan Thiết.

Các công trình hạ tầng phục vụ du lịch: Hoàn thành đường 706B (nối Phan Thiết - Mũi Né), cung đường rộng 52m tiêu chuẩn hiện đại, dài gần 17 km này sẽ dễ dàng cảm nhận ngay sự đa dạng và quy mô của các dự án du lịch đã và đang triển khai. Hoàn thành hệ thống xử lý nước thải chung cho khu vực Hòn Rơm. Hiện nay các công trình hạ tầng phục vụ du lịch được triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung các công trình trọng điểm như Đường 706B, cầu Sông Lũy, đường dây 110 KV Phan Thiết-Mũi Né, tuyến ống cấp nước đường Nguyễn Đình Chiểu, triển khai đầu tư dự án nhà máy nước 16.000 m3/ngày.

Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Thuận vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng bến cảng du lịch kết hợp phục vụ du lịch tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Được xem là cảng du lịch đầu tiên ở Bình Thuận.

Siêu thị mang thương hiệu Co-op Mart của Liên minh HTX Thương mại TPHCM  mới thành lập cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa phong phú, đa dạng của tỉnh. Dự án xây dựng Siêu thị Vinatexmart – Phan Thiết dự kiến là sẽ chính thức được khởi công xây dựng vào năm 2011 sẽ tăng dịch vụ mua sắm cho nhu cầu khách du lịch với hàng hóa phong phú và giá cả ổn định. Cùng với xây dựng chợ đêm tại khu phố Tây phường Hàm Tiến mang nhiều đặc trưng văn hóa và quan trọng nhất là không gây ô nhiễm môi trường và với các sản phẩm truyền thống của địa phương sẽ được nhân rộng ra các khu du lịch biển khác trong tỉnh.

V. Đặc điểm và ý kiến, nhận xét của du khách đế với Bình Thuận

Hàng năm, cuộc điều tra chi tiêu khách du lịch được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên từ dòng du khách trong nước và quốc tế du lịch thăm quan địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện để nắm các thông tin về chi tiêu, đặc điểm, nhu cầu và ý kiến nhận xét của du khách về những các điểm du lịch, con người Bình Thuận nhằm góp phần xây dựng chiến lược phát triển du lịch tỉnh nhà, có biện pháp mở rộng quảng bá phù hợp tốt hơn.

1. Chi tiêu du khách:

Đối với ngành du lịch, đánh giá thông qua “Tài khoản vệ tinh du lịch  (TSA)” là một tiêu chuẩn quốc tế được Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc xây dựng. Thể hiện kết quả hoạt động du lịch mang lại trong các ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng, thương nghiệp, bưu chính viễn thông và các ngành dịch vụ khác. Định hướng phát triển kinh tế tại Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực…”. Đồng thời mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 của Chính phủ đã và đang ngày càng trở thành hiện thực thể hiện qua sự thay đổi của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng.

Do vậy điều tra chi tiêu du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép tính toán, đánh giá kết quả hoạt động riêng của ngành du lịch, đồng thời góp phần đưa ra được một bức tranh khá phong phú thể hiện mối quan hệ các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ảnh hoạt động kinh tế của nhiều ngành, cụ thể như sau:

a)    Du khách trong nước:

Theo kết quả điều tra cho thấy chi tiêu bình quân của một ngày khách trong nước: năm 2010 đạt 443 nghìn đồng tăng 48,5% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 10,4%.

Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2010 theo mục đích chuyến đi ở mức cao chủ yếu khách đi du lịch kết hợp với Thương mại (1.097 nghìn đồng) và khách đi du lịch kết hợp với Thông tin báo chí (914 nghìn đồng) còn mục đích du lịch nghỉ ngơi, thăm bạn bè người thân thì ở mức bình thường (trên 600 nghìn đồng). Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2010 theo nghề nghiệp của khách ở mức cao tập trung vào các nhà doanh nghiệp (chi tiêu bình quân 1.184 nghìn đồng), còn ở mức thấp như học sinh, sinh viên, hưu trí (khoảng 500 nghìn đồng).

Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2010 theo độ tuổi, các nhóm tuổi từ 35 đến 54 chi tiêu khá cao so với các nhóm tuổi khác: Từ 35 đến 44 tuổi chi tiêu bình quân 1.342 nghìn đồng; Từ 45 đến 54 tuổi chi tiêu bình quân 801 nghìn đồng. Các nhóm tuổi còn lại thấp hơn, thấp nhất là 15 – 24 tuối chi tiêu bình quân 599 nghìn đồng; Từ 25 đến 34 tuổi chi tiêu bình quân 743 nghìn đồng; trên 64 tuối chi tiêu bình quân dưới mức 600 nghìn đồng.

Cơ cấu mức chi tiêu bình quân của một ngày khách chủ yếu tiền thuê phòng và ăn uống. Chi tiêu thuê phòng có xu thế giảm (năm 2008 chiếm tỷ lệ 38,56; năm 2009 chiếm tỷ lệ 35,09%; năm 2010 chiếm tỷ lệ 33,02%). Chi tiêu ăn uống tăng dần (năm 2008 chiếm tỷ lệ 25,74; năm 2009 chiếm tỷ lệ 29,17%; năm 2010 chiếm tỷ lệ 32,4%). Cho thấy hiện nay phần lớn du khách vẫn giải quyết nguồn tiền chi du lịch tập trung cho ở và ẩm thực của địa phương, nhất là món ăn đặc sản biển góp phần tăng chi tiêu ăn uống lên đáng kể. Chi tiêu khác như chi mua hàng hoá, quà lưu niệm chưa nâng cao mà còn thể hiện giảm (năm 2009 chiếm tỷ lệ 11,83%; năm 2010 còn 9,81), Cho thấy hàng hóa tỉnh ta còn hạn chế. Các loại chi tiêu khác như chi phí thăm quan, dịch vụ văn hóa thể thao... ở mức thấp (dưới mức 2%), điều này cũng phải xem lại sản phẩm du lịch phục vụ và cần phải nâng cao số lượng và chất lượng hàng hóa, quà lưu niệm, các dịch vụ này đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của du khách.

Cơ cấu chi tiêu bình quân một ngày khách nội địa theo các loại ngành thể hiện qua bảng số liệu sau:

 

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng số

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

Tiền thuê phòng

31,50

33,58

38,56

35,09

32,37

Tiền ăn uống

28,10

24,87

25,74

29,17

32,06

Tiền đi lại

14,40

11,34

12,16

11,43

12,43

Chi phí tham quan

4,00

5,22

5,07

6,57

7,26

Chi mua hàng hoá, quà lưu niệm

12,90

15,84

10,77

11,83

10,68

Chi dịch vụ văn hoá, thể thao

3,30

2,08

3,02

2,37

1,62

Chi phí y tế

0,40

0,23

0,47

0,39

0,22

Chi khác

5,40

6,84

4,21

3,15

3,36

b)    Du khách quốc tế:

Theo kết quả điều tra cho thấy chi tiêu bình quân của một ngày khách quốc tế năm 2010 là 1,62 triệu đồng (84,3 USD) tăng 82% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 12,7%. Mức độ tăng trưởng đi theo tour có xu thế tăng nhanh hơn: mức chi bình quân theo tour hàng năm tăng 13,6% thì mức tăng tự sắp xếp đi tăng bình quân hàng năm 9,4%.

Đối với khách quốc tế phần lớn lưu trú ở khách sạn hạng cao (loại 3 sao, 4 sao và các resort đầy đủ tiện nghi), tuy nhiên cũng có dạng khách có thu nhập không cao cũng có thể ở các khách sạn hạng thấp hơn. Mức chi tiêu của theo loại khách sạn lưu trú: Khách sạn 4 sao bình quân chi tiêu 1 ngày khách/1 người là trên 3 triệu đồng; Khách sạn 3 sao là 2,3 triệu đồng; Khách sạn 2 sao gần 2 triệu đồng; Khách sạn 1 sao là 1,5 triệu đồng; Khách sạn chưa xếp hạng sao là 1,4 triệu đồng. Còn loại lưu trú thấp hơn nữa thì dưới 1 triệu đồng. 

Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2010 theo mục đích chuyến đi cũng có những chênh lệch nhất định do nhu cầu kết hợp công việc đối với khách quốc tế cao hơn như khách đi du lịch kết hợp với công tác, hội nghị, tập huấn (3,89 triệu đồng); kết hợp với báo chí (3,42 triệu đồng); kết hợp với thương mại (3,39 triệu đồng).... Ở mức chi tiêu thấp hơn như khách đi với mục đích thuần túy du lịch nghỉ ngơi (2,1 triệu đồng); khách đi du lịch kết hợp với thăm bạn bè, người thân (1,8 triệu đồng)... Điều này cho thấy các loại khách kết hợp thương mại, báo chí nhất là khách kết hợp hội nghị (du lịch MICE) thường ở mức rất cao, chúng ta cũng hết sức chú ý để thu hút lượng khách này, tăng điều kiện phục vụ cho loại khách MICE đầy đủ hơn. Thực tế với những thế mạnh sẵn có của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận đã và đang tập trung các khu du lịch, giải trí, dịch vụ cao cấp, đa năng, quy mô lớn và đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE) để đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước cũng như quốc tế.

Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2010 phân theo độ tuổi cho thấy: Các nhóm tuổi từ 35 đến 54 chi tiêu khá cao so với các nhóm tuổi khác (nhóm tuổi từ 35 đến 44 tuổi chi tiêu bình quân 2,7 triệu đồng; nhóm tuổi từ 45 đến 54 tuổi chi tiêu bình quân 2,5 triệu đồng). Các nhóm tuổi còn lại thấp hơn như từ 45 đến 54 tuổi bình quân 2,3 triệu đồng; nhóm tuổi từ 25 đến 34 tuổi chi tiêu bình quân 2,1 triệu đồng; nhóm tuổi từ 55 đến 64 tuổi chi tiêu bình quân 2 triệu đồng; nhóm tuổi trên 64 tuối chi tiêu bình quân 1,9 triệu đồng. Thấp nhất là nhóm tuổi 15 – 24 tuối chi tiêu bình quân 1,8 triệu đồng.

Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách quốc tế năm 2010 theo nghề nghiệp cũng khác nhau, mức chi cao như các nhà thương gia (2,47 triệu đồng); kiến trúc sư (2,38 triệu đồng); quan chức chính phủ (2,49 triệu đồng)... Chi tiêu ở mức chi tiêu thấp như hưu trí (1,82 triệu đồng); hưu trí, học sinh, sinh viên (1,74 triệu đồng).

Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2010 theo nội dung cho thấy chủ yếu thuê phòng và ăn uống, thấp hơn là tiền đi lại và chi mua hàng hóa, quà lưu niệm. Chi tiêu thuê phòng có xu thế giảm (năm 2009 chiếm tỷ lệ 33,25%; năm 2010 chiếm tỷ lệ 34,6%). Chi tiêu ăn uống có tăng (năm 2009 chiếm tỷ lệ 28,59%; năm 2010 chiếm tỷ lệ 31,65%). Cơ cấu tiền đi lại hiện nay giảm dần (năm 2008 chiếm tỷ lệ 17,8%; năm 2009 chiếm tỷ lệ 11,95%; năm 2010 chiếm tỷ lệ 11,48%), cho thấy phương tiện đi lại ngày càng nhiều và thuận lợi hơn nhất là phương tiện cộng đồng xuất hiện trên nhiều tuyến đi của Bình Thuận tạo điều kiện giảm chi tiêu đi lại.

Nhìn chung qua chi tiêu cho các loại ngành kinh tế, cơ cấu chi tiêu thuê phòng thấp dần dành cho các chi tiêu khác nhiều hơn cho thấy đã có xu hướng chuyển biến tốt, thể hiện du khách không chỉ đến chủ yếu ở mà còn quan tâm đến các loại nhu cầu khác như thưởng thức ăn uống, giải trí vui chơi. Do vậy ngoài vấn đề nâng cấp các tiện nghi phòng nghỉ ngày càng tốt hơn thì các vấn đề khác như ăn uống, vui chơi giải trí, tham quan cũng cần có nhiều loại hình phong phú, đa dạng dành cho khách quốc tế, phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và khu vực của các nước trên thế giới. Việc nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phải đặt lên hàng đầu.

Cơ cấu chi tiêu bình quân một ngày khách quốc tế theo các loại ngành thể hiện qua bảng số liệu sau:

 

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Tổng số

100,00

100,00

100,00

100,00

100,00

Tiền thuê phòng

30,11

32,12

31,14

33,25

31,60

Tiền ăn uống

28,10

28,72

29,05

28,59

31,65

Tiền đi lại

17,38

13,19

17,80

11,95

11,48

Chi phí tham quan

8,95

8,92

9,00

6,96

9,21

Chi mua hàng hoá, quà lưu niệm

10,18

9,95

10,43

11,04

11,71

Chi dịch vụ văn hoá, thể thao

1,97

2,94

1,45

3,41

1,70

Chi phí y tế

0,20

0,73

0,46

1,12

0,28

Chi khác

3,11

3,43

0,67

3,67

2,37

Chi tiêu du khách liên quan đến rất nhiều ngành như khách sạn, nhà hàng và các ngành dịch vụ khác, đồng thời cũng có tác động đến ngành công nghiệp chế biến, xây dựng dịch vụ… phát triển những sản phẩm lợi thế, đặc trưng phục vụ cho du lịch. Hoạt động du lịch của địa phương đã mang lại một khí thế thật là sôi động hơn bao giờ hết, ngành du lịch của tỉnh đã phát triển nhanh và có thể khẳng định rằng ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đang vận hành theo xu hướng sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều triển vọng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Trong ngành du lịch Bình Thuận, cái tạo ra lực hút mua sắm còn khá yếu kém, chính vì thế mà lâu nay du khách đến Bình Thuận thường chi tiêu ít, thay vì rộng rãi như ở nhiều nơi khác. Việc mua sắm chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng thời lượng và tổng chi tiêu của du khách. Không nghi ngờ gì, nó là một thành tố tạo nên sự hấp dẫn và sự tăng trưởng của du lịch.

Thời gian gần đây, ý tưởng về các khu chợ đêm hay tuyến phố đi bộ mua sắm ở Hàm Tiến - Phan Thiết đã được thực hiện (gần như dành cho khách quốc tế). Bên cạnh chợ Phan Thiết và siêu thị Co.opMart, hình thức mua sắm này hứa hẹn sẽ thu hút du khách chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, cần phải tránh việc chèo kéo, “chặt chém” giá cả với du khách. Trong năm 2011 sẽ có một siêu thị nữa được xây dựng và nỗ lực đi vào hoạt động trong thời gian gần nhất.

2.  Đặc điểm và ý kiến đánh giá của khách du lịch

Kết quả thăm dò ý kiến nhận xét, đánh giá của du khách trong nước và quốc tế cùng với những đáp ứng được yêu cầu của khách được thể hiện như sau:

a)    Đặc điểm của du khách:

- Đặc điểm cơ cấu du khách trong nước

Du khách trong nước chủ yếu vẫn nghiêng về giới nam đi nhiều hơn, năm 2006 về cơ cấu du khách nam chiếm 63,63%, nữ chiếm 36,37% và mức này cũng giữ đến hiện nay chưa thay đổi bao nhiêu, năm 2010 cơ cấu du khách nam chiếm 65,31% và nữ chiếm 34,69%. Cho thấy nam vẫn đi nhiều

Các lứa tuổi đi du lịch thường là từ tuổi từ 25 đến 34 tuổi (đây là các khoảng độ tuổi chiếm tỷ lệ cao trong du khách, có sức khỏe làm việc và có nhiều ham muốn du lịch mới, lạ, nhiều loại hình giải trí), trong năm 2010 cơ cấu nhóm tuối này có tăng lên (năm 2006 chiếm 35,4% thì năm 2010 chiếm 48,9%); ngược lại nhóm tuổi 35 đến 44 năm 2006 chiếm 36,3% thì năm 2010  giảm còn 26,5% và nhóm tuổi từ 45 đến 54 năm 2006 chiếm 13,5% thì năm 2010 còn 9,46%; và nhóm tuổi 55 đến 64 năm 2006 chiếm 3,9% thì năm 2010 nâng lên chiếm 4,9%. Qua số liệu trên cho thấy các khu du lịch cũng cần bố trí nhiều loại hình giải trí phù hợp cho từng lứa tuổi.

Cơ cấu du khách đến tỉnh ta trong các năm qua, chủ yếu công chức, viên chức Nhà nước chiếm tỷ lệ 42,4%, nhưng tỷ lệ này cũng giảm dần trong những năm gần đây, các nhà doanh nghiệp tăng dần từ 16,6% năm 2006 lên 19,9% năm 2010, các tổ chức công đoàn tổ chức cho công nhân đi thăm quan, nghỉ dưỡng có xu hướng tăng từ 11,6% năm 2006 lên 16,6% năm 2010.

- Đặc điểm cơ cấu du khách quốc tế

Cũng như du khách trong nước, du khách quốc tế nghiêng về giới nam đi nhiều hơn, năm 2010 về cơ cấu du khách nam chiếm 62%, nữ chiếm 38%.

Đối với khách quốc tế thì lứa trẻ bao giờ cũng thích trò chơi giải trí hết sức sôi động, thích đi dã ngoại và có phần mạo hiểm. Lứa tuổi này đến Bình Thuận chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là lứa tuổi từ 25 đến 34 (năm 2006 chiếm 33,6% thì năm 2010 chiếm 34,3%) và lứa tuổi từ 35 đến 44 (năm 2006 chiếm 28,9% năm 2010 giữ mức chiếm 28,8%). Các cơ sở kinh doanh du lịch cần nắm bắt thị hiếu nhu cầu của lứa tuổi này để có loại hình giải trí phục vụ  thích hợp.

Cơ cấu nghề nghiệp của du khách quốc tế phần lớn là nhà thương gia (chiếm tỷ lệ 31,5%) có điều kiện tiền bạc đi du lịch và kết hợp mở rộng quan hệ thương mại, tìm kiếm thị trường. Tiếp đến là học sinh, sịnh viên (chiếm 11,8%),  giáo sư, giảng viên, giáo viên (chiếm 9,75%)...

Tùy theo đặc điểm của lứa tuổi, Các cơ sở kinh doanh du lịch đưa những mô hình resort có nhiều dạng thích hợp từng lứa tuổi và tùy theo mỗi nơi, mỗi lúc xem xét khách quốc tế đến từ lứa tuổi nào là chủ yếu mà chọn các loại hình dịch vụ cho phù hợp.

Đặc điểm ở tỉnh có ấn tượng tốt nhất:

Đến với Bình Thuận du khách nước ngoài để lại ấn tượng tốt đẹp, một thủ đô của Resort, một phong cảnh đẹp do có một bờ biển dài, và bãi cát mịn màng thoai thoải kéo dài, nước biển xanh cùng với đồi núi chập chùng được thiên nhiên ban tặng như một bức tranh hữu tình, bầu trời trong xanh quanh năm hầu như là nắng ấm. Từ đó thể hiện qua:

 Ấn tượng tốt nhất như về phong cảnh đẹp: năm 2006 chiếm 50,5% thì năm 2010 nâng lên chiếm 63,6%. Hàm Tiến- Mũi Né - Tiến Thành với những khu du lịch nổi tiếng như: Làng Thụy Sĩ, Bambo Village, Muine De Century Beach Resort & Spa…khu giải trí liên hợp Forest đang không chỉ là điểm đến của nhiều du khách quốc tế mà còn là điểm dừng chân thật sự lý tưởng cho những tour dã ngoại…

Ấn tượng về con người Bình Thuận thì cũng có cơ cấu khá: năm 2006 chiếm 26,8% và năm 2010 chiếm 26,4%, thể hiện con người Bình thuận ngày càng thân thiện hơn và môi trường du lịch an toàn. Tuy nhiên cần phải hết sức chú ý đào tạo con người giao tiếp lịch thiệp, hiếu khách, nhân viên tiếp tân, hướng dẫn du lịch nhiều về số lượng và có trình độ chuyên môn cao. Ấn tượng về hàng hóa rẽ vẫn chưa chuyển biến tốt: năm 2006 chiếm 8,5% và năm 2010 chiếm 6,5%. 

Các mức tỷ lệ này chưa phải là tối ưu, đòi hỏi tỉnh phải có kế hoạch, biện pháp nâng cao sức hấp dẫn, con người, môi trường thân thiện, nhất là mỗi điểm du lịch trong tỉnh có những đặc thù riêng, khác lạ nhằm thu hút du khách nhiều hơn nữa.

b)    Nguồn tham khảo, mục đích, hình thức, độ dài chuyến đi:

- Du khách trong nước

+ Nguồn tham khảo quyết định đi du lịch:

Du khách tham khảo từ các nguồn để quyết định chuyến đi du lịch,  do vậy quảng bá trên nguồn thông tin và chi phí phù hợp, có hiệu quả là điều cần tập trung quan tâm.

Bảng cơ cấu nguồn tham khảo để quyết định đi du lịch của du khách trong nước:

 

Năm

2006

Năm

2007

Năm

2008

Năm

2009

Năm

2010

- Bạn bè, người thân

39,64

40,57

46,08

44,42

46,38

- Sách, báo, tạp chí

10,04

12,34

23,17

19,92

12,00

- Internet

7,62

15,60

23,33

23,75

23,23

- Công ty du lịch

9,91

16,45

12,42

25,17

24,00

- Ti vi

31,64

8,37

14,58

13,42

13,23

- Nguồn khác

6,48

11,63

9,58

6,58

6,92

Ở đây ta thấy bạn bè, người thân bao giờ cũng là yếu tố tham khảo chiếm tỷ lệ cao nhất (46,38%), thứ hai là các công ty du lịch cũng góp phần quảng bá các địa phương mới lạ, hấp dẫn và nguồn tham khảo này tăng khá nhanh (từ 9,91% năm 2006 vươn lên 24% cho 2010) cho thấy các công ty du lịch đã nỗ lực tạo dựng uy tín, tuyến tour du lịch phong phú, chất lượng hơn. Đặc biệt phương tiện Internet truyền bá của tỉnh ta cũng phát huy rõ nét từ 7,62% năm 2006 vươn lên 23,23% cho 2010. Tuy nhiên mức độ này vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi cần phải mở rộng thêm kênh thông tin này như cập nhật đều về quảng bá du lịch trên WebSite của tỉnh và các trang quảng bá khác. Ngược lại nguồn Ti vi giảm xuống từ 31,64% năm 2006 xuống còn 13,23% năm 2010 cho thấy đưa tin trên Đài truyền hình của quốc gia phủ sóng toàn quốc còn thiếu liều lượng.

+ Mục đích của chuyến Du lịch:

Về cơ cấu theo mục đích chuyến đi: Số du khách với mục đích vui chơi và giải trí là chủ yếu (chiếm 67,3%). Thể hiện trong các năm qua Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các sự kiện thể thao kết hợp với du lịch mang tầm quốc tế và thế giới. Bên cạnh đó các cơ sở lưu trú không ngừng đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, đưa thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới lạ làm phong phú, đa dạng mô hình du lịch nghỉ dưỡng biển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra kết hợp du lịch với các mục đích khác, trước hết là với công tác, hội nghị tập huấn (du lịch MICE) đang có xu thế tăng từ tỷ lệ 3,8% năm 2006 nâng lên chiếm 11,2% năm 2010. Thăm bạn bè, họ hàng từ tỷ lệ 2,2% năm 2006 nâng lên chiếm 9,8% năm 2010; kết hợp mục đích thương mại chiếm 4,15%; thấp nhất là thông tin báo chí 1,46%.

+ Hình thức tổ chức đi Du lịch:

Hình thức tổ chức đi du lịch có xu thế chuyển hướng đi theo tour. Khách đi theo tour năm 2006 chiếm 20,3% và năm 2010 chiếm 29,2%, khách tự sắp xếp đi năm 2006 chiếm 79,8% và năm 2010 chiếm 70,8%. Mặc dù tỷ lệ tour có tăng nhưng tự sắp xếp đi vẫn là chủ yếu (Nguyên nhân chủ yếu do lượng khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh ta rất lớn mà đoạn đường không dài chỉ có 200 km du khách tự sắp xếp thì có nhiều thời gian hơn và tự do đến những nơi tùy thích lựa chọn nơi lưu trú, ăn uống vui chơi thoải mái hơn). Tuy nhiên trong tương lai, công ty du lịch lữ hành cần mở rộng các nơi thăm quan trên cơ sở bố trí các tuyến đi phù hợp với chí phí tour hợp lý sẽ nâng tỷ lệ đi theo tour sẽ cao hơn nữa. Các CLB xe ô tô (OTOFC) thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các tour du lịch đến  Mũi Né (Phan Thiết-Bình Thuận) ngày càng nhiều hơn với chủ đề khám phá thành phố du lịch biển có thiên đường nghỉ dưỡng Mũi Né.

+ Phương tiện đi Du lịch:

Về cơ cấu khách theo phương tiện phần lớn khách đi bằng ô tô, năm 2006 chiếm 78,3% và năm 2010 chiếm 80,2%. Từ khi có chuyến tàu mang tên Hội tụ xanh đưa vào năm 2005 tuyến Phan Thiết-Thành phố Hồ Chí Minh, lượng khách đến bằng tàu hoả chiếm một tỷ lệ đáng kể. Hiện nay cơ cấu khách đi tàu hỏa có nhích lên so những năm trước nhưng chưa được nhiều, năm 2006 chiếm 16,6% và năm 2010 chiếm 17,7%.

+ Số lần du khách đến:

Về cơ cấu số lần du khách đến Bình Thuận với tỷ lệ đến lần thứ hai và thứ ba năm sau cao hơn năm trước, thể hiện du lịch Bình Thuận mặc dù hình thành và phát triển khá mới mẻ so với một số tỉnh bạn có truyền thống du lịch lâu đời nhưng sự thu hút du khách không kém, nhiều du khách đã quay trở lại ngày càng nhiều hơn. Số lần khách đến lần thứ hai: năm 2006 chiếm 30,4% thì năm 2010 nâng lên chiếm 35%; Số lần khách đến lần thứ ba: năm 2006 chiếm 29,4% thì năm 2010 nâng lên chiếm 31,4%.

Bảng cơ cấu số lần du khách trong nước đến Bình Thuận:

 

Năm

2006

Năm

2007

Năm

2008

Năm

2009

Năm

2010

- Lần 1

42,69

29,69

29,25

32,00

33,62

- Lần 2

30,37

37,87

37,00

36,80

35,00

- Lần thứ 3 trở lên

26,94

32,62

33,75

31,20

31,38

+ Qui mô độ dài ngày bình quân của lượt khách:

Về qui mô độ dài ngày của một lượt khách du lịch chiếm không thay đổi gì nhiều, lượng khách đi du lịch với thời gian từ 1 đến 3 ngày chiếm phần lớn (năm 2006 chiếm 92,5% và năm 2010 chiếm 90,4%). Còn đi du lịch với thời gian 4 đến 7 ngày và trên 7 ngày thì chỉ chiếm dưới 10%. Du lịch Bình Thuận vẫn chưa có những bứt phá lớn để lôi cuốn du khách tăng độ dài lưu trú của du khách (chủ yếu khách nhiều ở những ngày cuối tuần, còn những ngày khác trong tuần thì vắng khách).

- Du khách quốc tế

 + Nguồn tham khảo quyết định đi du lịch:

 Nguồn tham khảo nhiều nhất để quyết định chuyến đi chủ yếu là từ bạn bè, người thân chiếm phần lớn và nguồn này càng được nhân rộng cho các năm sau, chứng tỏ Bình Thuận có sức lôi cuốn, khách đến có ấn tượng tốt đẹp và tuyên truyền cho nhiều người khác cùng đến du lịch ở Bình Thuận. Kế đến là nguồn từ các công ty du lịch tham gia giúp khách du lịch hiểu rõ hơn về địa phương mình đến. Đồng thời từ nguồn sách báo, tạp chí cũng được người nước ngoài quan tâm. Đối với nguồn Internet, do quảng bá từ nguồn này ra nước ngoài của tỉnh chưa có nhiều trang web bằng tiếng nước ngoài, nội dung chưa phong phú nên ít người nước ngoài biết đến. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cơ cấu từ nguồn này cũng đã có chuyển biến nhanh từ 2,3% năm 2006 vươn lên 25% cho 2010. Đây là một con số khả quan khẳng định vai trò Internet trong việc quảng bá hình ảnh đẹp về Bình Thuận trong mắt du khách quốc tế. Thông qua đó cũng nói lên rằng vai trò kênh thông tin quảng bá du lịch qua Internet rất quan trọng và ngày càng phải được phát triển với nội dung phong phú hơn. Con số trên cũng nới lên các website của các hãng lữ hành nước ngoài, các Website trong tỉnh đang được quan tâm sâu sắc về cả số lượng, hình thức và nội dung.

 

 

Bảng cơ cấu nguồn tham khảo để quyết định đi du lịch của du khách quốc tế:

 

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

- Bạn bè, ngư­ời thân

45,70

30,09

52,00

44,80

40,25

- Công ty du lịch

23,18

15,05

26,67

18,20

16,25

- Sách, báo, tạp chí

21,52

35,42

37,67

18,60

16,25

- Ti vi

14,24

16,61

25,00

14,60

11,25

- Internet

2,34

2,82

15,67

16,40

25,00

- Nguồn khác

2,30

7,84

4,33

10,00

7,00

+ Những tác động tới sự lựa chọn điểm đến du lịch:

Từ những tác động tới sự lựa chọn điểm đến du lịch thì điểm du lịch hấp dẫn được đa số chú ý cho thấy cảnh vật ở Bình Thuận gây ấn tượng tốt đối với du khách quốc tề và bên cạnh đó là điều kiện giao thông đã thuận lợi hơn nhờ sự tích cực đầu tư vào lĩnh vực giao thông mở rộng, thông thoáng trong các năm qua. Tỷ lệ sự lựa chọn điểm đến từ 2 tác đồng này tăng khá nhanh, thể hiện qua cơ cấu sau: Điểm du lịch hấp dẫn năm 2006 chiếm 45,7% thì năm 2010 chiếm 70,8% và phương tiện đi lại thuận tiện năm 2006 chiếm 7,6% thì năm 2010 chiếm 20,8%. Còn lại các tác động khác thì thấp hơn nhiều như Giá trị đồng tiền năm 2006 chiếm 19,5% thì năm 2010 chiếm 9%; Thủ tục hải quan và nhập cảnh đơn giản năm 2006 chiếm 9,9% thì năm 2010 chiếm 11,3%.

+ Mục đích của chuyến Du lịch:

Về cơ cấu theo mục đích chuyến đi, phần lớn là vui chơi, giải trí và càng về sau càng thể hiện rõ: Số du khách với mục đích vui chơi và giải trí năm 2006 chiếm 89,1% và năm 2010 chiếm 78,8%. Ngoài ra kết hợp du lịch với các mục đích khác, trước hết là với công tác, hội nghị tập huấn đang có xu thế tăng (từ tỷ lệ 1,3% năm 2006 nâng lên chiếm 4% năm 2010). Thăm bạn bè, họ hàng chiếm 1,3% năm 2006 nâng lên chiếm 7% năm 2010.

+ Hình thức tổ chức đi Du lịch:

Theo hình thức tổ chức đi đối với khách quốc tế càng ngày càng chuyển hướng đi theo tour nhiều hơn. Khách đi theo tour năm 2006 chiếm 40% thì năm 2010 nâng lên chiếm 45,5%. Khách nước ngoài phần lớn từ Tour đến Việt Nam thông qua du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, cần khai thác lượng  khách quốc tế du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua liên kết vùng  trên cơ sở phát huy thuận lợi là Bình Thuận có bờ biển dài, đẹp và có nhiều Resort mà thành phố HCM không có. Khoảng đường cách Thành phố HCM không xa lắm và thuận cho việc đi lại. Trong những năm gần đây với BCĐ du lịch tỉnh hết sức quan tâm đến các chương trình xúc tiến du lịch nhằm tìm kiếm đối tác là các hãng du lịch, các nhà điều hành tour nhằm tìm đường đưa khách quốc tế đến Bình Thuận và cụ thể lượng khách Nga theo tour đến Mũi Né tăng nhanh.

+ Phương tiện đi Du lịch:

Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng máy bay, tuy nhiên đối với tỉnh ta chưa có sân bay, do vậy đến tỉnh Bình Thuận thường phải thông qua một tỉnh khác. Ở đây chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh, do vậy đến tỉnh phần lớn phương tiện đi là khách đi bằng ô tô, năm 2006 chiếm 88,3% và năm 2010 chiếm 79,8%. Lượng khách đi bằng tàu hỏa có chuyển biến khá nhờ sự nỗ lực của tỉnh tăng cường phương tiện vận tải phục vụ du lịch, đã đầu tư đưa con tàu Hội tụ xanh hoạt động (phương tiện mới thể hiện tính ưu việt trong du lịch như an toàn, đáp ứng cho mọi lứa tuổi, thoải mái nghỉ ngơi trong khi vận chuyển) nên có mức tăng cơ cấu đáng kể: năm 2006 chỉ chiếm 9% thì năm 2010 đã nâng lên chiếm 17,8%.

+ Số lần du khách đến:

Về cơ cấu số lần khách quốc tế du lịch đến Bình Thuận có chuyển biến, khách quen thuộc trở lại Bình Thuận có nhiều hơn: Số lần khách đến lần thứ hai: năm 2006 chiếm 30,8% thì năm 2010 nâng lên chiếm 33,5%; Số lần khách đến lần thứ ba: năm 2006 chiếm 8,6% thì năm 2010 nâng lên chiếm 21,3%. Điều này chứng tỏ môi trường du lịch Việt Nam, trong đó có Bình Thuận đã từng bước hoàn thiện càng ngày càng hấp dẫn khách quốc tế hơn, khiến họ có xu hướng quay lại du lịch Bình Thuận nhiều hơn. Chứng tỏ Bình Thuận đã có nhiều hứa hẹn với những vẻ đẹp tự nhiên và tiềm ẩn đang còn nhiều điều hấp dẫn cho du khách quốc tế.

Bảng cơ cấu số lần khách quốc tế du lịch đến Bình Thuận:

 

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

 - Lần 1

60,60

47,96

46,00

50,00

45,25

 - Lần 2

30,79

36,05

37,00

32,80

33,50

 - Lần thứ 3 trở lên

8,61

15,99

17,00

17,20

21,25

+ Qui mô độ dài ngày bình quân của lượt khách:

Qua qui mô độ dài ngày của một lượt du khách quốc tế: Lượng khách đi du lịch với thời gian từ 1 đến 3 ngày là phổ biến nhất: năm 2006 chiếm 50,8% và năm 2010 chiếm 47,8%. Đi du lịch với thời gian 4 đến 7: năm 2006 chiếm 39,4% và năm 2010 chiếm 38,8%. Còn trên 7 ngày:  năm 2006 chiếm 9,8% thì năm 2010 chiếm 13,5%.

Trong những năm gần đây khách quốc tế ở dài ngày có chuyển biến theo hướng tốt, cơ cấu lưu trú trên 7 ngày tăng lên. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ khách lưu trú dài ngày vẫn chưa được nhiều, do vậy cần phải tăng cường chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các dự án có nhiều loại hình càng phong phú, hình thành những tổ hợp du lịch-thể thao quốc tế hoặc gắn liền với những dịch vụ thể thao trên biển tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình...

Qua kết quả điều tra chi tiêu khách du lịch, với ý nghĩa tập trung tăng các chi tiêu khác ngoài ở, giữ mức ổn định khách đến lần thứ hai, thứ ba và thu hút nhiều khách du lịch mới (chưa lần nào đến Bình Thuận). Tỉnh đã phát động “Chương trình đưa văn hóa về cơ sở” để quảng bá du lịch, trong đó đội ngũ Thông tin tuyên truyền huyện, thị xã, thành phố của các vùng du lịch như Phan Thiết, Lagi, Tuy Phong… triển khai rầm rộ “Thông tin lưu động”.

Các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm đến với thị trường Nga, một thị trường được xem là đầy tiềm năng của du lịch Bình Thuận trong vài năm trở lại đây. Một số resort cao cấp ở Phan Thiết như Sài Gòn - Mũi Né, Làng Tre, Hải Âu, Sea Links, Trăng Tròn, Terracotta, Sea Horse…còn trực tiếp giới thiệu về cơ sở, sự thân thiện của nhân viên phục vụ, chất lượng và sự đa dạng của dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, tiềm năng và nét hấp dẫn của từng khu du lịch cho khách tham quan.

Ngoài thành phố Maxcơva - thủ đô Nga, du lịch Bình Thuận còn tham gia giới thiệu và quảng bá tại 2 thành phố khác là Leningrad và Novosibirsh, nơi có rất đông du khách luôn chọn Phan Thiết-Mũi Né là điểm đến khi du lịch tại Việt Nam. Các hãng du lịch lớn của hai quốc gia Hàn Quốc và Ukraine đã đi thăm các địa danh du lịch của TP Phan Thiết như Hòn Rơm, Mũi Né và các khu Resort cao cấp ở phường Hàm Tiến nhằm khảo sát tiềm năng du lịch Bình Thuận.

Ngoài ra còn đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch thông qua tham gia các hội chợ triển lãm du lịch quốc tế tổ chức trong và ngoài nước như: Lễ hội Văn hóa ẩm thực thế giới - Vũng Tàu Việt Nam 2010, triển lãm du lịch quốc tế ITE 2010, Festival Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010, tham gia Roadshow tại Hàn Quốc…

PHẦN III

NHỮNG ĐẠT ĐƯỢC, KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP

1.       Những đạt được:

- Những thành quả đáng ghi nhận của du lịch Bình Thuận (kể từ năm xuất hiện nhật thực toàn phần, nhất là những năm gần đây) đã thể hiện nỗ lực phấn đấu của tỉnh qua kết quả triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo kết hợp văn hóa với kinh tế trong du lịch, do vậy mức tăng trưởng doanh thu du lịch không ngừng phát triển, nhất là qua 4 năm vừa qua (tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 32,6%, trong đó đối với khách quốc tế tăng 38,5%). Đồng thời góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu (xuất khấu dịch vụ du lịch tại chỗ) rất hiệu quả và đầy triển vọng.

- Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện hơn với những khu du lịch, những tuyến đường du lịch được đầu tư mở rộng và thông suốt dọc theo biển, những resort  với nhiều kiểu dáng, mô hình và qui mô không ngừng được đầu tư phù hợp gắn với du lịch sinh thái biển mà thiên nhiên đã ưu đãi cho Bình Thuận.

- Số lượng sản phẩm du lịch từng bước nâng lên về số lượng và chất lượng. Cùng với dịch vụ lưu trú, giải trí, nghỉ ngơi là các sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm đặc thù của địa phương như hàng dệt thổ cẩm, nước mắm, thanh long...Và các khu ẩm thực với những món ăn đặc sản biển được đầu tư, nghiên cứu chế biến phù hợp với khẩu vị của du khách trong mọi miền đất nước và cả khách quốc tế thuộc các khu vực trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Đồng thời, tỉnh thường xuyên bàn nhiều biện pháp nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch với các sản phẩm đặc thù phù hợp với từng vùng, từng địa phương để thoả mãn nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của các đối tượng du khách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.

2.     Khó khăn, tồn tại:

-   Dự án du lịch hiện nay rất nhiều, tuy nhiên nhiều dự án du lịch còn bỏ ngỏ, hàng trăm dự án resort, với con số đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, đã đăng ký kín gần như không còn một chỗ nào trống. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều dự án chỉ “nằm treo” trên giấy, hoặc mới đang trong quá trình thi công các hạng mục ban đầu thì dừng lại... bỏ hoang hoặc có hoàn thành nhưng lại kinh doanh “èo uột”, không hiệu quả… Một số dự án du lịch chậm đi vào kinh doanh, công tác giải tỏa đền bù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, một số chủ dự án không có năng lực tài chính nên không triển khai dự án được... Mặt khác bố trí các cơ sở lưu trú một số vùng còn có nhiều bất cập như khu dân cư, các cơ sở hoạt động công nghiệp, chế biến thủy sản đan xen với khu du lịch, các khách sạn 3 sao trở lên còn thiếu. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang được thực hiện và loại dần những dự án không khả thi, nằm chờ dài hạn. Tăng cường kêu gọi vốn đầu tư nhưng cũng sẽ hết sức quan tâm tới tư vấn đầu tư để chú ý đáp ứng các loại nhu cầu của du khách.

-   Chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm du lịch đã có bước nâng lên, vừa qua trên địa bàn tỉnh triển khai thêm một số loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu khách như: Sân gofl Sealink 18 lỗ, vũ trường Holly Wood Night, siêu thị Co.op Mart, khu vui chơi giải trí Suối Cát… Nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa khai thác được các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Dịch vụ phục vụ phát triển du lịch chưa mạnh, chất lượng chưa bảo đảm, tính chuyên nghiệp chưa cao, các hoạt động giải trí và mua sắm vẫn kém hấp dẫn. Do đó, du khách dù muốn vẫn không thể chi tiêu nhiều hơn do không biết tiêu tiền vào đâu. Nhiều du khách đánh giá các địa điểm mua sắm và vui chơi về đêm còn ít và chưa đủ sức thu hút du khách.

-   Nguồn nhân lực của ngành du lịch đang là một vấn đề khó khăn rất lớn  của tỉnh mà cấp bách cần cải thiện và khắc phục. Một trong những vấn đề đáng quan tâm nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay là trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng thiếu đã khiến ngành du lịch không khai thác hết nguồn lợi từ khách du lịch quốc tế, yếu kém về trình độ chuyên môn, văn hoá giao tiếp, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch yếu về số lượng và cả chất lượng. Công tác đào tạo đội ngũ làm du lịch chưa mạnh, chưa sâu, chưa theo kịp yêu cầu đa dạng, phong phú của phát triển du lịch.  Do vậy phải xem việc đào tạo cho ngành du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và phối hợp liên tục không ngừng mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao kiến thức về du lịch và tay nghề.

-   Vệ sinh môi trường ở một số khu du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú chưa tốt như khu vực Hòn Rơm tình trạng nước thải, rác thải chưa được xử lý triệt để; hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện dọc theo tuyến biển từ Tiến Thành đến Mũi Né-Hòn rơm kéo dài và sinh vật biển chết trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm tại các bãi tắm ảnh hưởng không ít đến hoạt động du lịch. Do vậy cần có một định hướng đầu tư để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa không phá vỡ môi trường và cảnh quan tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của vùng.

-   Công tác phát động dân cư trong địa bàn có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng, thực hiện nếp sống văn minh giữ gìn trật tự an ninh thái độ ứng xử với du khách chưa cao và đồng bộ, trước mắt cần có một giải pháp tích cực chấm dứt tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo... môi trường vệ sinh tại các khu du lịch chưa được cải thiện. Cần tăng cường Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, và an toàn trên biển nhiều hơn.

3.   Giải pháp:

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên hiệu quả hoạt động của ngành Du lịch liên quan đến nhiều ngành khác trong mối quan hệ tương hỗ, mà yếu tố chủ yếu là tổ chức quản lý cơ chế chính sách. Do vậy, từ thực tiễn phát triển du lịch hiện nay, cần đi sâu nghiên cứu và đưa ra các giải pháp chủ yếu của ngành du lịch cho những năm tới.

-   Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thu hút khách du lịch, quan tâm là phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của địa phương, tạo thành những tour liên kết nhiều vùng, nhiều sắc thái khác nhau tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách có như vậy mới giữ khách lâu ngày và đón khách quay lại. Nghiên cứu kỹ sở thích, khả năng chi tiêu của khách du lịch từng vùng, từng quốc gia để xây dựng và bố trí các tour thích hợp và sáng tạo những sản phẩm đặc trưng đáp ứng sở thích của du khách và tăng nguồn thu cho hoạt động dịch vụ du lịch.

-   Đổi mới phương pháp quản lý, chú trọng hiệu quả nhiều mặt; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch và du khách theo pháp luật; xây dựng và áp dụng một số chính sách nhằm nâng cao năng lực cho của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là năng lực tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Trong điều kiện tiềm năng du lịch của tỉnh chưa khai thác đúng mức, cần tạo môi trường du lịch thân thiện rộng mở, nâng cao chất lượng, luôn luôn tạo ra nét mới, tạo sức hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch.

-   Từng bước có chính sách thuận lợi cho việc đầu tư vốn của các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận và cho cả các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài để khai thác các sản phẩm du lịch mới, chú ý các loại hình vui chơi giải trí, thể thao phù hợp với đặc thù của vùng biển, vùng rừng núi mà thiên nhiên đã ưu đã và có các khu ẩm thực mang tính đặc trưng, sắc thái riêng có của Bình Thuận để phục vụ tốt nhu cầu phong phú, đa dạng của du khách. Kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3-5 sao. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan dễ rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn. Nhiều dự án đầu tư mới về du lịch ra đời, càng không tránh khỏi rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, do vậy ngoài việc họp bàn cách tổ chức kinh doanh sao cho có luật lệ, mà còn phải bàn cách tăng lượng khách đến với Bình Thuận.

-    Hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể và cụ thể trên từng địa bàn với các loại sản phẩm phù hợp, xác định rõ các khu, điểm, tuyến du lịch… làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn giữa các quy hoạch. Bên cạnh kêu gọi các dự án thì cũng phải tạo môi trường thật sự thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch không ngừng phát triển. Tích cực hoàn chỉnh quy hoạch các khu du lịch hợp lý và có sức sống, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng cho phát triển du lịch và những ngành kinh tế mũi nhọn khác.

-   Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, quan tâm xây dựng kế hoạch thường xuyên đào tạo cán bộ quản lý, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên cho du lịch có trình độ giao tiếp du khách nội địa cũng như du khách quốc tế ngày càng được nâng cao. Các nhà quản lý du lịch của tỉnh cũng phải có kế hoạch đào tạo một cách căn cơ để đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời phải xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, không nên làm thay phần việc của tư nhân mà phải khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác đào tạo nhân lực.

-   Tăng cường xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch là biện pháp quan trọng để tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Bình Thuận ngay cả trong và ngoài nước nhằm thu hút khách. Cần tập trung vào nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, tập quán, thói quen tiêu dùng của các đối tượng khách để có những sản phẩm phù hợp với thị trường. Mở rộng các hình thức tuyên truyền quảng cáo như tổ chức, tham gia thường xuyên các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng với các loại hình khác nhau, chú ý đến xây dựng các Website về du lịch Bình Thuận, phát hành các ấn phẩm quảng bá du lịch Bình Thuận, xây dựng công nghệ GIS phục vụ công tác quản lý, quảng bá; Xây dựng một số kiốt thông tin điện tử phục vụ du khách ở trung tâm Phan Thiết, khu du lịch Hàm Tiến...

-   Phát triển các khu du lịch phải đi đôi với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên, xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Tăng cường công tác quản lý môi trường ở các trọng điểm du lịch; tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp phòng chống tệ nạn xã hội thâm nhập vào hoạt động du lịch; chú trọng xử lý nước thải, chất thải ở các khách sạn, các điểm du lịch, khu du lịch.

- Chú ý phát triển du lịch MICE (Meeting, Incentive, Convention và Exhibition). Đó là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện du lịch. Vì các đoàn khách MICE thường rất đông, sử dụng dịch vụ cao cấp và thời gian lưu trú cũng lâu hơn và đặc biệt mức chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường. Chương trình du lịch MICE thường có sự tham gia của các chính khách, doanh nhân, các tập đoàn nước ngoài, các công ty liên doanh… đến từ nhiều nơi trên thế giới, nên đây là cơ hội rất tốt để quảng bá, tiếp thị cho ngành du lịch.  Muốn vậy cần thấy rõ những thứ mà dòng khách MICE đang hướng đến như đi tìm sự mới lạ, thưởng thức những dịch vụ cao, tiện ích tốt và sản phẩm đắt tiền, mang chủ đề riêng, những chương trình ẩm thực mang dấu ấn của từng vùng, từng miền để lôi kéo dòng khách “quý tộc” này. Bình Thuận không thiếu các sự kiện thể thao hoặc lễ hội, khu ẩm thực có thể thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham gia và cổ vũ… Đối với khách du lịch quốc tế tham dự sự kiện MICE, họ có nhu cầu đi tham quan một số nơi ở Việt Nam và đi với số lượng lớn. Vì vậy, chỉ có liên kết giữa khách sạn và các công ty du lịch mới đáp ứng nhu cầu này của khách MICE này. Tuy nhiên phát triển MICE không cứ phải trông chờ vào khách du lịch quốc tế, mà cũng cần chú ý đến khách MICE nội địa, một số công ty cũng có nhu cầu tổ chức những hội nghị cho nhân viên kết hợp với du lịch, những cuộc hội họp tổ chức khen thưởng khách hàng hay đại lý. Ngoài ra, tổ chức các hội chợ hay triển lãm quốc tế với những nhóm doanh nghiệp hoặc từng doanh nghiệp riêng lẻ cũng là đối tượng của ngành du lịch. Phải nâng cấp khách sạn có hạ tầng cơ sở phục vụ thị trường MICE, như phòng ốc với những yêu cầu về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, đèn chiếu... để tổ chức hội nghị. Nhìn chung khai thác thị trường MICE là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam và tỉnh ta nói riêng, MICE không chỉ giới hạn ở việc cho thuê phòng ốc để tổ chức các hội nghị mà còn phải biết đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm, tham quan các điểm du lịch, MICE kích thích sự phát triển của hệ thống khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng...và thương mại.

-    Hiện nay nước ta đang chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, do vậy tỉnh ta cũng phải có kế hoạch, xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển nhanh du lịch Bình Thuận nhằm góp phần cùng cả nước đưa du lịch lên một bước phát triển mới nhằm nhanh chóng đuổi kịp trình độ và hội nhập với sự phát triển chung của du lịch khu vực và thế giới. Trước mắt đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong việc nghiên cứu thị trường, quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách và thu hút nguồn vốn đầu tư, và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô và hình thức kinh doanh.

-   Với tinh thần không phát triển chiều rộng, dàn trải, cần xem xét, ra sóat lại các dự án du lịch hiện nay chưa họat động để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi các dự án du lịch triển khai mang tính đối phó, đế quá thời gian qui định và không có lý do chính đáng để bố trí cho các nhà đầu tư khác. Cần ưu tiên đối với các dự án lớn có điều kiện kinh tế, có qui mô lớn, cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực vui chơi giải trí, khai thác thế mạnh đặc trưng của du lịch biển Bình Thuận.

-   Cần có đánh giá lại các làng nghề, gắn làng nghề với du lịch, trùng tu các di tích văn hóa lịch sử, đánh giá lại hiệu quả các lễ hội, cái nào nhà nước cần can thiệp, cái nào xã hội hóa nâng cao hơn nữa chất lượng các lễ hội.

-    Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, các khu du lịch, đặc biệt tập trung phát triển sân bay, cảng du lịch, đường cao tốc, chống xâm thực... cầm tháo gỡ chồng lấn giữa quy hoạch khai thác khoáng sản titan với du lịch, thủy sản với du lịch, bảo đảm phát triển hài hòa các lợi thế của Tỉnh.

-    Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch, tăng cường công tác hậu kiểm về kinh doanh lưu trú du lịch, điều kiện kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, chất lượng phục vụ của các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đúng với loại hạng đã công nhận.

-    Thực hiện tốt chương trình giáo dục cộng đồng, nâng cao ý thức của dân cư trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội phục vụ du lịch. Có giải pháp quản lý hoạt động mua bán hàng rong, hoạt động xe ôm... khắc phục tình trạng chèo kéo, quấy nhiễu, trộm cắp tài sản du khách, xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, phong cách phục vụ văn minh.

Du lịch Bình Thuận đã bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh nhiều tỉnh thành cả nước đang phát triển mạnh mẽ du lịch biển. Không thể cứ bám mãi những yếu tố cảnh quan thiên nhiên và lễ hội sẵn có của mình để thu hút du lịch. Bình Thuận cần phải có chiến lược tìm kiếm nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa, kết hợp giữa yếu tố địa phương với yếu tố du nhập để tạo sự phong phú, độc đáo cho hình ảnh du lịch tỉnh nhà…Với những thế mạnh sẵn có của mình, ngành du lịch Bình Thuận đang tập trung xây dựng, mở rộng các khu du lịch, giải trí, dịch vụ cao cấp, đa năng, quy mô lớn và đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE) để đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời giải quyết tốt vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát huy được những tiềm năng lợi thế của mình để đưa hoạt động ngành du lịch tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.