PHẦN I MỘT SỐ KHÁI NIỆM VỀ DU LỊCH I. Ngành du lịch: được xác định là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. II. Khái niệm khách du lịch: Là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của mình để đến một nơi khác trong thời gian ít hơn 12 tháng liên tục với mục đích chính của chuyến đi là thăm quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài việc tiến hành các hoạt động để đem lại thu nhập và kiếm sống ở nơi đến. Khái niệm khách du lịch này được áp dụng cho cả khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước và áp dụng cho cả khách đi du lịch trong ngày và đi du lịch dài ngày có nghỉ qua đêm. 1. Khái niệm khách du lịch quốc tế: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (cụ thể ở một địa phương nào đó của Việt Nam) là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của một nước đang thường trú đến Việt Nam trong thời gian ít hơn 12 tháng với mục đích của chuyến đi không phải để tiến hành các hoạt động nhằm đem lại thu nhập và kiếm sống ở Việt Nam. 2. Khái niệm khách du lịch trong nước: Khách du lịch trong nước là những người đi ra khỏi môi trường sống thường xuyên của mình để đến một nơi khác ở trong nước với thời gian liên tục ít hơn 12 tháng và mục đích chính của chuyến đi để thăm quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài việc tiến hành các hoạt động nhằm đem lại thu nhập và kiếm sống ở nơi đến. II. Khái niệm du lịch theo tour và du lịch không theo tour: 1. Những người du lịch theo tour: là những người đi theo các chuyến du lịch được tổ chức và phục vụ trọn gói hay không trọn gói do các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành đứng ra tổ chức. Những người du lịch theo tour được các đơn vị du lịch lữ hành lo phương tiện đi lại, ăn ở, các chương trình vui chơi giải trí, thăm quan... từ lúc bắt đầu chuyến đi cho đến khi kết thúc chuyến đi. 2. Những người du lịch không theo tour: Là những người tự đứng ra tổ chức, sắp xếp chuyến đi cho mình hay cả đoàn về phương tiện đi lại, ăn ở, các chương trình vui chơi giải trí... III. Khái niệm chi tiêu của khách du lịch: Chi tiêu của khách du lịch là tổng số tiền đã chi phí của khách du lịch trong suốt hành trình của chuyến đi, kể cả những khoản chi mua sắm trước chuẩn bị cho chuyến đi và những chi phí mua sắm đồ dùng, quà tặng, quà lưu niệm trong chuyến đi mang về dùng sau chuyến đi. Nhưng không bao gồm các khoản sau: - Tiền mua hàng hoá cho mục đích kinh doanh, có nghĩa là các hàng hoá mua về để bán lại cho khách du lịch khác, mua về để kinh doanh được kết hợp trong chuyến đi. - Tiền đầu tư, giao dịch hợp đồng của người đi du lịch như đầu tư mua nhà đất, bất động sản và tài sản quí giá khác (như xe ca, xe tải, thuyền, nhà nghỉ thứ hai), kể cả việc mua những tài sản này để sử dụng cho các chuyến đi du lịch trong tương lai được chi trong lần đi du lịch này cũng không được tính vào chi tiêu du lịch. - Tiền mặt biếu họ hàng và bạn bè trong chuyến đi. - Ngành du lịch, với ý nghĩa được đánh giá thông qua “Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA)” là một tiêu chuẩn quốc tế được Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc xây dựng. Thể hiện kết quả hoạt động du lịch mang lại trong các ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng, thương nghiệp, bưu chính viễn thông và các ngành dịch vụ khác. Do vậy doanh thu của du lịch không chỉ là doanh thu trực tiếp từ của các cơ sở lưu trú, nhà hàng mà còn bao gồm các việc chi tiêu mua sắm hàng hóa, dịch vụ thăm quan, y tế, thông tin liên lạc... Trên cơ sở đó ngoài chỉ tiêu doanh thu thì các chỉ tiêu về lao động, nộp ngân sách... đều được tính toán phân bổ tương ứng. PHẦN II CHI TIÊU KHÁCH DU LỊCH XU THẾ PHÁT TRIỂN Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về vật chất lẫn tinh thần góp phần xóa đói giảm nghèo… Du lịch Bình Thuận trong những năm qua có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục được duy trì và có mức tăng trưởng cao về số lượng du khách, thời gian lưu trú, doanh thu, giá trị tăng thêm và thu nộp ngân sách. Cơ sở kinh doanh du lịch ngày càng hoàn thiện hơn, số lượng các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, số lượng buồng phòng khách sạn, cơ sở lưu trú cũng như chất lượng phục vụ tiếp tục được nâng lên. Ngày 24.10.1995, một sự kiện được cả nước và thế giới chú ý, đó là hiện tượng nhật thực toàn phần mà điểm quan sát rõ nhất chính là Mũi Né - Phan Thiết. Du lịch Bình Thuận vốn tiềm ẩn những kì diệu được bứt phá lên. Do vậy, ngày 24.10 đã trở thành ngày truyền thống của du lịch Bình Thuận. Từ đó, hoạt động du lịch tại Bình Thuận diễn ra hết sức sôi động với lượng du khách tăng đột biến. Và đến bây giờ, địa danh Phan Thiết- Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế. Mũi Né-Phan Thiết được xem là thủ đô resort của Việt Nam, nơi dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách…. Điều này cho thấy, dù còn non trẻ hơn nhiều so các khu du lịch trọng điểm trên cả nước, nhưng ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh Bình Thuận đã có tiếng vang không chỉ trong nước mà còn trên thế giới (địa danh Mũi Né- Hòn rơm có hơn năm triệu địa chỉ tìm được qua công cụ Google, Yahoo,Bing... ). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lần thứ X và XI cũng đã xác định kinh tế du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển và là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Ngày 25/03/2004 Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2010. Và ngày 11/4/2006 đã có kết luận 01 KL/TU về những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển du lịch trong thời gian tới. Từ đó Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh được hình thành và đã hoạt động thường xuyên tích cực, tìm mọi biện pháp, xây dựng kế hoạch, từng bước tháo gỡ những khó khăn với quyết tâm cao, thực hiện đưa ngành du lịch của tỉnh nhà chuyển biến đáng kể. Và đây cũng một quyết tâm không ngừng nâng cao về nhận thức du lịch, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và tác dụng nhiều mặt của du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Bên cạnh đó hiệp hội du lịch của tỉnh đã hoạt động tích cực làm cầu nối giữa các đơn vị du lịch và các cơ quan chính quyền hổ trợ xúc tiến du lịch, quảng bá ra nước ngoài các sản phẩm du lịch của Bình Thuận. Trên bước đường hội nhập, kinh tế Bình Thuận sẽ thực sự đi lên bằng những định hướng đúng và từ tiềm năng, trong đó thế mạnh của ngành du lịch được xác định là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động của cả nước. Thực tế du lịch Bình Thuận có bước phát triển khá nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng, có vị trí xứng đáng trong bản đồ du lịch cả nước và quốc tế. I. Một số thuận lợi phát triển du lịch: Bình Thuận với điều kiện tự nhiên có bờ biển đẹp và dài 196 km, cùng với hàng trăm di tích lịch sử, di tích văn hóa, hàng chục loại đặc sản địa phương… để du khách thưởng ngoạn, tham quan mua sắm, đó là lợi thế của tỉnh. Ngoài ra cũng phải nói đến sự nỗ lực nâng cao một số mặt đáng chú ý như sau: 1. Một số lễ hội hàng năm được tổ chức thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và ngày càng nâng tầm qui mô lớn hơn như: Trong những điều kiện kinh tế còn eo hẹp, nhưng với quyết tâm lớn, tỉnh đã tổ chức Ngày Du lịch Bình Thuận 24/10/2005 với chủ đề: “Bình Thuận - Hội tụ Xanh”, lễ hội chào mừng thật ấn tượng, phong phú và phát động toàn dân Bình Thuận tham gia hưởng ứng. Các ngày lễ lớn trong năm, nhất là các lễ hội truyền thống của địa phương như lễ hội Nghinh Ông, lễ Trung thu đã được tổ chức thực hiện với qui mô lớn hơn, nâng lên một tầm cao hơn, thông qua đó kết hợp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng SXKD của địa phương, các dịch vụ du lịch. Không bỏ lỡ cơ hội, các chương trình lễ hội, các hội chợ đều tổ chức các khu ẩm thực nhằm giới thiệu hương vị đậm đà của những món ăn miền biển được người dân bản xứ chế biến một cách tinh tế từ sản vật thiên nhiên của quê hương Bình Thuận. Đây là những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, mong muốn cho du lịch Bình Thuận phát triển với tốc độ nhanh và bền vững hơn. Một số lễ hội chính thường được tổ chức hàng năm như sau: - Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết: Theo lễ hội tổ chức vào ngày 16 đến 20 tháng 7 âm lịch, đậm đà màu sắc Trung Hoa. Người dân Phan Thiết và ước tính gần 5 vạn du khách đổ về hưởng một ngày lễ hội đông vui, nhiều ý nghĩa. - Lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang: hàng năm vào tháng giêng âm lịch với ý nghĩa làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành. Lễ hội được tổ chức tại tháp Chàm Pô-Sha-Nư toạ lạc trên một ngọn đồi có tên "Lầu Ông Hoàng" (gắn liền với tên tuổi của danh nhân Hàn Mặc Tử), cách thành phố Phan Thiết 6 km về phía đông bắc. - Lễ hội Katê: tổ chức vào tháng 7 Chăm lịch, nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 km về phía bắc. Ðền thờ được xây dựng để thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa. - Lễ hội Cầu ngư: là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân, còn gọi là lễ Hạ nghệ, hay lễ xuống nghề, ra khơi đánh bắt cá đầu mùa. Ngư dân các vạn chài tổ chức tế thần Nam Hải, cầu biển yên sóng lặng, mùa vụ bội thu. Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức hàng năm vào ngày 20/4 âm lịch. - Lễ hội dinh Thầy Thím: tổ chức vào 14 - 16/9 âm lịch thuộc Xã Tân Hải, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Có ý nghĩa suy tôn Thầy và Thím, hai vợ chồng có công chữa bệnh cho dân nghèo. - Lễ hội rước đèn Trung thu vào đêm rằm tháng 8: hàng ngàn lồng đèn đua nhau toả sáng rực rở trong màn đêm đó cũng là lễ hội lớn hoành tráng và được xem là lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam (đã được đưa vào Guinness Việt Nam). - Lễ hội Đua thuyền được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 2 tết âm lịch , nhằm tạo không khí vui tươi hoà cùng không khí ngày tết và giúp ta không quên bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống. 2. Các khu du lịch và các tuyến du lịch tại Bình Thuận được hình thành và ngày càng được mở rộng, hoàn thiện hơn. Hiện nay du lịch Bình Thuận hình thành nhiều khu du lịch như Khu du lịch Mũi Né - Tiến Thành (Phan Thiết), Khu du lịch ven biển Lagi, Khu du lịch ven biển Bắc Bình, Khu du lịch ven biển Tuy Phong, Khu du lịch sinh thái Hàm Thuận Nam, Khu du lịch sinh thái Đa Mi, Khu du lịch sinh thái Sông Quao (Hàm Thuận Bắc), Khu du lịch sinh thái Biển Lạc (Tánh Linh), Khu du lịch sinh thái Thác Reo (Đức Linh) Cùng với khu du lịch là các tuyến du lịch đã và đang được hình thành chủ yếu như: Tuyến Phan Thiết – Tuy Phong (Chùa Hang, Gành Son, Bãi Đá màu…); Tuyến Mũi Né – Hòn Rơm – Hoà Thắng (Bàu Trắng, Đồi cát bay Mũi Né…); Tuyến Tiến Thành – Thuận Quý – Tà Cú – Kê Gà (Ngọn Hải Đăng, cáp treo Tà Cú…); tuyến Phan Thiết – Hàm Thuận Bắc (Sông Quao, Thuỷ Điện ĐaMi..)... Đây là những nơi thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng biển; du lịch sinh thái biển, rừng kết hợp; du lịch vườn; các loại hình du lịch thể thao trên biển; du lịch văn hoá lịch sử, các làng nghề đặc trưng…để thu hút du khách II. Kết quả điều tra chi tiêu và cảm nhận của du khách 2006 - 2009: 1. Chi tiêu du khách: Đối với ngành du lịch, đánh giá thông qua “Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA)” là một tiêu chuẩn quốc tế được Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc xây dựng. Thể hiện kết quả hoạt động du lịch mang lại trong các ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng, thương nghiệp, bưu chính viễn thông và các ngành dịch vụ khác. Định hướng phát triển kinh tế tại Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ “Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực…”. Đồng thời mục tiêu chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 của Chính phủ đã và đang ngày càng trở thành hiện thực thể hiện qua sự thay đổi của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Do vậy điều tra chi tiêu du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép tính toán, đánh giá kết quả hoạt động riêng của ngành du lịch, đồng thời góp phần đưa ra được một bức tranh khá phong phú thể hiện mối quan hệ các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ảnh hoạt động kinh tế của nhiều ngành, cụ thể như sau: a) Du khách trong nước: Theo kết quả điều tra cho thấy chi tiêu bình quân của một ngày khách trong nước: năm 2009 đạt 443 nghìn đồng tăng 48,5% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 10,4%. Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2009 theo mục đích chuyến đi ở mức cao chủ yếu khách đi du lịch kết hợp với Thương mại (873 triệu đồng) và khách đi du lịch kết hợp với Thông tin báo chí (819 triệu đồng) còn mục đích du lịch nghỉ ngơi thì ở mức bình thường (trên 530 nghìn đồng) . Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2009 theo nghề nghiệp của khách ở mức cao tập trung vào các nhà doanh nghiệp (chi tiêu bình quân 886 triệu đồng), còn ở mức thấp như học sinh, sinh viên (chi tiêu dưới mức 400 nghìn đồng). Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2009 theo độ tuổi, các nhóm tuổi từ 35 đến 54 chi tiêu khá cao so với các nhóm tuổi khác: Từ 35 đến 44 tuổi chi tiêu bình quân 816 nghìn đồng; Từ 45 đến 54 tuổi chi tiêu bình quân 783 nghìn đồng. Các nhóm tuổi còn lại thấp hơn, thấp nhất là 15 – 24 tuối chi tiêu bình quân 545 nghìn đồng; Từ 25 đến 34 tuổi chi tiêu bình quân 630 nghìn đồng; Từ 55 đến 64 tuổi chi tiêu bình quân và trên 64 tuối chi tiêu bình quân dưới mức 500 nghìn đồng. Cơ cấu mức chi tiêu bình quân của một ngày khách chủ yếu tiền thuê phòng và ăn uống, thấp hơn một chút là tiền đi lại và chi mua hàng hóa, quà lưu niệm. Tiền thuê phòng chiếm tỷ trọng cao nhất (Năm 2009 chiếm tỷ lệ 37,5%) cho thấy hiện nay phần lớn du khách vẫn giải quyết nguồn tiền chi du lịch tập trung cho ở, mặt khác các tiện nghi phòng nghỉ được trang bị ngày càng tốt hơn nên mức chi tiêu cao hơn. Tiền đi lại, vận chuyển là một trong những chi tiêu không thể thiếu trong nguồn chi tiêu của du khách, hiện nay có giảm xuống so với năm 2006 (giảm 2,97%), phương tiện đi lại ngày càng nhiều hơn nhất là phương tiện cộng đồng như xe buýt đã xuất hiện trên nhiều tuyến đi của Bình Thuận tạo điều kiện giảm chi tiêu tiền đi lại, vận chuyển nhất là hợp với túi tiền của du khách thu nhập thấp. Các chi tiêu khác như chi mua hàng hoá, quà lưu niệm có lúc lên, lúc xuống (cao nhất nhất năm 2006 chiếm tỷ lệ 15,8%), chi dịch vụ văn hoá, thể thao giữ mức ổn định trong các năm qua (chiếm tỷ lệ khoảng 2,5%). Tuy nhiên nhìn chung các khoản chi về mua hàng hoá, chi phí dịch vụ tham quan, văn hóa, thể thao không cao, điều này cũng phải xem lại sản phẩm du lịch phục vụ và cần phải đưa vấn đề nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của du khách. Cơ cấu chi tiêu bình quân một ngày khách nội địa theo các loại ngành thể hiện qua bảng số liệu sau:
b) Du khách quốc tế: Theo kết quả điều tra cho thấy chi tiêu bình quân của một ngày khách quốc tế năm 2009 là 1.366 nghìn đồng (76 USD) tăng 53,5% so với năm 2006, bình quân hàng năm tăng 11,3%. Mức độ tăng trưởng đi theo tour có xu thế tăng nhanh hơn: mức chi bình quân theo tour hàng năm tăng 13,6% thì mức tăng tự sắp xếp đi tăng bình quân hàng năm 9,4%. Đối với khách quốc tế phần lớn lưu trú ở khách sạn hạng cao (loại 3 sao, 4 sao và các resort đầy đủ tiện nghi) do vậy mức chi tiêu bình quân thường gấp 3 lần so với khách nội địa và độ dài lưu trú cũng cao hơn. Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2009 theo mục đích chuyến đi cũng có những chênh lệch nhất định do nhu cầu kết hợp công việc đối với khách quốc tế cao hơn. Ở mức chi tiêu thấp, chủ yếu khách đi với mục đích thuần túy du lịch nghỉ ngơi là 1.312 nghìn đồng, khách đi du lịch kết hợp với thăm bạn bè, người thân là 1.378 nghìn đồng... Ở mức cao hơn khách đi du lịch kết hợp với công tác, hội nghị, tập huấn (1.611 nghìn đồng), khách đi du lịch kết hợp với báo chí (1.524 nghìn đồng)... Điều này cho thấy các loại khách kết hợp thương mại, báo chí nhất là khách kết hợp hội nghị (du lịch MICE) thường ở mức rất cao, chúng ta cũng hết sức chú ý để thu hút lượng khách này, tăng điều kiện phục vụ cho loại khách MICE đầy đủ hơn. Thực tế với những thế mạnh sẵn có của tỉnh, ngành du lịch Bình Thuận đã và đang tập trung các khu du lịch, giải trí, dịch vụ cao cấp, đa năng, quy mô lớn và đặc biệt là loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị (MICE) để đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước cũng như quốc tế. Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2009 phân theo độ tuổi cho thấy: Các nhóm tuổi từ 35 đến 54 chi tiêu khá cao so với các nhóm tuổi khác, từ 35 đến 44 tuổi chi tiêu bình quân 1.485 nghìn đồng, từ 45 đến 54 tuổi chi tiêu bình quân 1.383 nghìn đồng. Các nhóm tuổi còn lại thấp hơn, thấp nhất là 15 – 24 tuối chi tiêu bình quân 1.253 nghìn đồng, từ 25 đến 34 tuổi chi tiêu bình quân 1.291 nghìn đồng, từ 55 đến 64 tuổi chi tiêu bình quân 1.234 nghìn đồng, trên 64 tuối chi tiêu bình quân 1.273 nghìn đồng. Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách quốc tế năm 2009 theo nghề nghiệp cũng khác nhau, mức chi cao rơi vào các nhà thương gia (chi tiêu bình quân 1.421 nghìn đồng), kiến trúc sư (chi tiêu bình quân 1.717 nghìn đồng). Ở mức thấp hơn như hưu trí, học sinh, sinh viên (chi tiêu bình quân từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng). Mức chi tiêu bình quân của một ngày khách năm 2009 theo nội dung cho thấy chủ yếu thuê phòng và ăn uống, thấp hơn là tiền đi lại và chi mua hàng hóa, quà lưu niệm. Cơ cấu tiền thuê phòng cao có xu thế nhích lên (Năm 2006 chiếm 30,1% thì năm 2009 nâng lên 33,5%) cho thấy việc nâng cấp và các khách sạn cao cấp mới hình thành được xây dựng thường là tiêu chuẩn sao cao hơn. Cơ cấu tiền đi lại hiện nay có giảm (Năm 2006 chiếm 17,4% thì năm 2009 giảm còn 12%), cho thấy phương tiện đi lại ngày càng nhiều và thuận lợi hơn nhất là phương tiện cộng đồng xuất hiện trên nhiều tuyến đi của Bình Thuận tạo điều kiện giảm chi tiêu tiền đi lại. Đối với khách quốc tế còn cần phải quan tâm mức chi tiêu khác ngoài tiền thuê phòng nhiều hơn nữa, do vậy ngoài vấn đề nâng cấp các tiện nghi phòng nghỉ ngày càng tốt hơn thì các vấn đề khác như ăn uống, vui chơi giải trí, tham quan cũng cần có nhiều loại hình giải trí dành cho khách quốc tế, phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và khu vực của các nước trên thế giới. Việc nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phải đặt lên hàng đầu, các khu du lịch phải đầu tư theo hướng lợi thế có bờ biển đẹp và gắn với môi trường sinh thái. Tạo ra một nơi lý tưởng nghỉ dưỡng, điều dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và rừng kết hợp, các loại hình du lịch thể thao trên biển; du lịch văn hoá lịch sử, các làng nghề đặc trưng… Cơ cấu chi tiêu bình quân một ngày khách quốc tế theo các loại ngành thể hiện qua bảng số liệu sau:
Chi tiêu du khách liên quan đến rất nhiều ngành như khách sạn, nhà hàng và các ngành dịch vụ khác, đồng thời cũng có tác động đến ngành công nghiệp chế biến, xây dựng dịch vụ… phát triển những sản phẩm lợi thế, đặc trưng phục vụ cho du lịch. Hoạt động du lịch của địa phương đã mang lại một khí thế thật là sôi động hơn bao giờ hết, ngành du lịch của tỉnh đã phát triển nhanh và có thể khẳng định rằng ngành du lịch tỉnh Bình Thuận đang vận hành theo xu hướng sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều triển vọng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Trong ngành du lịch Bình Thuận, cái tạo ra lực hút mua sắm còn khá yếu kém. Chính vì thế mà lâu nay, du khách đến Bình Thuận thường chi tiêu ít, thay vì rộng rãi như ở nhiều nơi khác. Việc mua sắm chiếm tỉ lệ không nhỏ trong tổng thời lượng và tổng chi tiêu của du khách. Không nghi ngờ gì, nó là một thành tố tạo nên sự hấp dẫn và sự tăng trưởng của du lịch. Thời gian gần đây, ý tưởng về các khu chợ đêm hay tuyến phố đi bộ mua sắm ở Hàm Tiến - Phan Thiết do một công ty tư nhân đề xuất là khá kịp thời (mặc dầu vốn không còn lạ với một số nước Đông Nam Á gần ta nhất là Singapore và Thái Lan). Bên cạnh chợ Phan Thiết và siêu thị Co.opMart, hình thức mua sắm này hứa hẹn sẽ thu hút du khách chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, cần phải tránh việc chèo kéo, “chặt chém” giá cả với du khách. 2. Cảm nhận của du khách: Hàng năm, cuộc điều tra khảo sát du khách được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên từ dòng du khách trong nước và quốc tế du lịch thăm quan địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện để nắm các thông tin về đặc điểm , nhu cầu và ý kiến nhận xét của du khách về những các điểm du lịch, con người Bình Thuận nhằm mở rộng quảng bá phù hợp để có kế hoạch phục vụ tốt hơn. Kết quả thăm dò ý kiến nhận xét, đánh giá của du khách trong nước và quốc tế cùng với những đáp ứng được yêu cầu của khách được thể hiện như sau: a) Đặc điểm của du khách: - Đặc điểm cơ cấu du khách trong nước Du khách trong nước chủ yếu vẫn nghiêng về giới nam đi nhiều hơn, năm 2006 về cơ cấu du khách nam chiếm 63,63%, nữ chiếm 36,37% và mức này cũng giữ đến hiện nay chưa thay đổi bao nhiêu, năm 2009 cơ cấu du khách nam chiếm 63,67% và nữ chiếm 36,33%. Các lứa tuổi đi du lịch thường là từ tuổi từ 25 đến 44 tuổi (đây là các khoảng độ tuổi chiếm tỷ lệ cao trong du khách, có sức khỏe làm việc và có nhiều ham muốn du lịch mới, lạ, nhiều loại hình giải trí), trong năm 2009 cơ cấu nhóm tuối này có giảm xuống (nhóm tuổi tuổi 25 đến 34 năm 2006 chiếm 35,4% thì năm 2009 giảm còn 33,6% và nhóm tuổi 35 đến 44 năm 2006 chiếm 36,3% thì năm 2009 giảm còn 30,9%) nhường cho nhóm tuổi du khách tuổi từ 45 đến 54 tăng lên (nhóm tuổi tuổi 45 đến 54 năm 2006 chiếm 13,5% thì năm 2009 tăng lên 21,7% và nhóm tuổi 55 đến 64 năm 2006 chiếm 3,4% thì năm 2009 tăng lên 7,6%). Qua số liệu trên cho thấy các khu du lịch cũng cần bố trí nhiều loại hình giải trí phù hợp cho từng lứa tuổi. Cơ cấu du khách đến tỉnh ta trong các năm qua, chủ yếu công chức, viên chức Nhà nước chiếm tỷ lệ 29,5%, nhưng tỷ lệ này cũng giảm dần trong những năm gần đây, các nhà doanh nghiệp tăng dần từ 16,6% năm 2006 lên 22,7% năm 2009, các tổ chức công đoàn tổ chức cho công nhân đi thăm quan, nghỉ dưỡng có xu hướng tăng từ 11,6% năm 2006 lên 14,4% năm 2009. - Đặc điểm cơ cấu du khách quốc tế Cũng như du khách trong nước, du khách quốc tế nghiêng về giới nam đi nhiều hơn, năm 2009 về cơ cấu du khách nam chiếm 68,2%, nữ chiếm 31,8%. Đối với khách quốc tế thì lứa trẻ bao giờ cũng thích trò chơi giải trí hết sức sôi động, thích đi dã ngoại và có phần mạo hiểm. Lứa tuổi này đến Bình Thuận chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là lứa tuổi từ 25 đến 34 (năm 2009 chiếm 35,8%) và thứ hai là lứa tuổi từ 35 đến 44 (năm 2009 chiếm 31,8%). Các cơ sở kinh doanh du lịch cần nắm bắt thị hiếu nhu cầu của lứa tuổi này để có loại hình giải trí phục vụ phù hợp. Cơ cấu nghề nghiệp của du khách quốc tế phần lớn là nhà thương gia (chiếm tỷ lệ 30%) có điều kiện tiền bạc đi du lịch và kết hợp mở rộng quan hệ thương mại, tìm kiếm thị trường. Tiếp đến là học sinh, sịnh viên (chiếm 14%), giáo sư, giảng viên, giáo viên (chiếm 10,8%)... b) Nguồn tham khảo, mục đích, hình thức, độ dài chuyến đi: - Du khách trong nước + Nguồn tham khảo quyết định đi du lịch: Du khách tham khảo từ các nguồn để quyết định chuyến đi du lịch, do vậy quảng bá trên nguồn thông tin và chi phí phù hợp, có hiệu quả là điều cần tập trung quan tâm. Bảng cơ cấu nguồn tham khảo để quyết định đi du lịch của du khách trong nước:
Ở đây ta thấy bạn bè, người thân bao giờ cũng là yếu tố tham khảo hàng đầu , thứ hai là các công ty du lịch cũng góp phần quảng bá các địa phương mới lạ, hấp dẫn. Đặc biệt phương tiện Internet truyền bá của tỉnh ta cũng phát huy rõ nét từ 7,62% năm 2006 vươn lên 23,75% cho 2009. Tuy nhiên mức độ này vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi cần phải mở rộng thêm kênh thông tin này như cập nhật đều về quảng bá du lịch trên WebSite của tỉnh và các trang quảng bá khác. Ngược lại nguồn Ti vi giảm xuống từ 31,64% năm 2006 xuống còn 13,42% năm 2009 cho thấy đưa tin trên Đài truyền hình của quốc gia phủ sóng toàn quốc còn thiếu liều lượng. + Mục đích của chuyến Du lịch: Về cơ cấu theo mục đích chuyến đi, phần lớn đúng như ý nghĩa của du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu về vui chơi, nghỉ dưỡng là quan trọng nhất: Số du khách với mục đích vui chơi và giải trí năm 2006 chiếm 73,9% và năm 2009 chiếm 77,3%. Tỷ lệ vẫn ngày càng cao hơn thể hiện các cơ sở lưu trú luôn đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, đưa thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới lạ làm phong phú, đa dạng mô hình du lịch nghỉ dưỡng biển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra kết hợp du lịch với các mục đích khác, trước hết là với công tác, hội nghị tập huấn (du lịch MICE) đang có xu thế tăng từ tỷ lệ 3,8% năm 2006 nâng lên chiếm 8,4% năm 2009. Thăm bạn bè, họ hàng từ tỷ lệ 2,2% năm 2006 nâng lên chiếm 5,8% năm 2009. + Hình thức tổ chức đi Du lịch: Theo hình thức tổ chức đi có xu thế chuyển hướng theo hình thức đi theo tour. Khách đi theo tour năm 2006 chiếm 20,3% và năm 2009 chiếm 39,2%, khách tự sắp xếp đi năm 2006 chiếm 79,8% và năm 2009 chiếm 60,8%. Mặc dầu tỷ lệ tour có tăng lên khá nhưng tự sắp xếp đi vẫn là chủ yếu (Nguyên nhân chủ yếu do lượng khách luồng du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh ta rất lớn mà đoạn đường không dài chỉ có 200 km du khách tự sắp xếp thì có nhiều thời gian hơn và tự do đến những nơi tùy thích lựa chọn nơi lưu trú, ăn uống vui chơi thoải mái hơn). Tuy nhiên trong tương lai, công ty du lịch lữ hành cần mở rộng các nơi thăm quan trên cơ sở bố trí các tuyến đi phù hợp với chí phí tour hợp lý sẽ nâng tỷ lệ đi theo tour sẽ cao hơn nữa. + Phương tiện đi Du lịch: Về cơ cấu khách theo phương tiện đi phần lớn là khách đi bằng ô tô, năm 2006 chiếm 78,3% và năm 2009 chiếm 79,8%. Từ khi có chuyến tàu mang tên Hội tụ xanh đưa vào năm 2005 tuyến Phan Thiết-Thành phố Hồ Chí Minh thì từ đó lượng khách đến bằng tàu hoả chiếm một tỷ lệ đáng kể. Hiện nay cơ cấu khách đi tàu hỏa có nhích lên so những năm trước nhưng chưa được nhiều, năm 2006 chiếm 16,6% và năm 2009 chiếm 17,9%. + Số lần du khách đến: Về cơ cấu số lần du khách đã đến Bình Thuận thì tỷ lệ đến lần thứ hai và lần thứ ba năm sau có cao hơn năm trước, thể hiện du lịch Bình Thuận mặc dầu hình thành và phát triển khá mới mẻ so với một số tỉnh bạn có truyền thống du lịch lâu đời nhưng sự thu hút du khách không kém, nhiều du khách đã quay trở lại ngày càng nhiều hơn. Số lần khách đến lần thứ hai: năm 2006 chiếm 30,4% thì năm 2009 nâng lên chiếm 36,8%; Số lần khách đến lần thứ ba: năm 2006 chiếm 29,4% thì năm 2009 nâng lên chiếm 31,2%. Bảng cơ cấu số lần du khách trong nước đến Bình Thuận:
+ Qui mô độ dài ngày bình quân của lượt khách: Về qui mô độ dài ngày của một lượt khách du lịch chiếm không thay đổi gì nhiều, lượng khách đi du lịch với thời gian từ 1 đến 3 ngày chiếm phần lớn (năm 2006 chiếm 92,5% và năm 2009 chiếm 90%). Còn đi du lịch với thời gian 4 đến 7 ngày và trên 7 ngày thì chỉ chiếm dưới 10%. Du lịch Bình Thuận vẫn chưa có những bứt phá lớn để lôi cuốn du khách tăng độ dài lưu trú của du khách (chủ yếu khách nhiều ở những ngày cuối tuần, còn những ngày khác trong tuần thì vắng khách). - Du khách quốc tế + Nguồn tham khảo quyết định đi du lịch: Nguồn tham khảo nhiều nhất để quyết định chuyến đi chủ yếu là từ bạn bè, người thân chiếm phần lớn và nguồn này càng được nhân rộng cho các năm sau, chứng tỏ Bình Thuận có sức lôi cuốn, khách đến có ấn tượng tốt đẹp và tuyên truyền cho nhiều người khác cùng đến du lịch ở Bình Thuận. Kế đến là nguồn từ các công ty du lịch tham gia giúp khách du lịch hiểu rõ hơn về địa phương mình đến. Đồng thời từ nguồn sách báo, tạp chí cũng được người nước ngoài quan tâm. Đối với nguồn Internet, do quảng bá từ nguồn này ra nước ngoài của tỉnh chưa có nhiều trang web bằng tiếng nước ngoài, nội dung chưa phong phú nên ít người nước ngoài biết đến. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cơ cấu từ nguồn này cũng đã có chuyển biến nhanh từ 2,3% năm 2006 vươn lên 16,4% cho 2009 chủ yếu là nhờ các website của các hãng lữ hành nước ngoài, các Website trong tỉnh còn nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức. Bảng cơ cấu nguồn tham khảo để quyết định đi du lịch của du khách quốc tế:
+ Những tác động tới sự lựa chọn điểm đến du lịch Từ các nguồn tham khảo quyết định chuyến đi thì điểm du lịch hấp dẫn được đa số chú ý cho thấy cảnh vật ở Bình Thuận gây ấn tượng tốt đối với du khách, mặt khác giá trị đồng tiền ở Việt Nam tương đối dễ chịu có thể thoải mái cho mọi thành phần trong đó cũng cho cả những người đời sống có khó khăn. Thể hiện qua cơ cấu sau: Điểm du lịch hấp dẫn năm 2006 chiếm 45,7% thì năm 2009 chiếm 80,5%; Giá trị đồng tiền năm 2006 chiếm 19,5% thì năm 2009 chiếm 12,2%; Thủ tục hải quan và nhập cảnh đơn giản năm 2006 chiếm 9,9% thì năm 2009 chiếm 9,2%; Phương tiện đi lại thuận tiện năm 2006 chiếm 7,6% thì năm 2009 chiếm 19,8% ( cho thấy điều kiện giao thông đã thuận lợi hơn cho việc đầu tư vào lĩnh vực giao thông đã bắt đầu phát huy tác dụng). + Mục đích của chuyến Du lịch: Về cơ cấu theo mục đích chuyến đi, phần lớn là vui chơi, giải trí và càng về sau càng thể hiện rõ: Số du khách với mục đích vui chơi và giải trí năm 2006 chiếm 89,1% và năm 2009 chiếm 85,6%. Ngoài ra kết hợp du lịch với các mục đích khác, trước hết là với công tác, hội nghị tập huấn đang có xu thế tăng (từ tỷ lệ 1,3% năm 2006 nâng lên chiếm 1,8% năm 2009). Thăm bạn bè, họ hàng chiếm 1,3% năm 2006 nâng lên chiếm 1,6% năm 2009. + Hình thức tổ chức đi Du lịch: Theo hình thức tổ chức đi đối với khách quốc tế càng ngày càng chuyển hướng đi theo tour nhiều hơn. Khách đi theo tour năm 2006 chiếm 40% thì năm 2009 nâng lên chiếm 42,6%. Khách nước ngoài phần lớn từ Tour đến Việt Nam thông qua du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, cần khai thác lượng khách quốc tế du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua liên kết vùng trên cơ sở phát huy thuận lợi là Bình Thuận có bờ biển dài, đẹp và có nhiều Resort mà thành phố HCM không có. Khoảng đường cách Thành phố HCM không xa lắm và thuận cho việc đi lại. Trong những năm gần đây với BCĐ du lịch tỉnh hết sức quan tâm đến các chương trình xúc tiến du lịch nhằm tìm kiếm đối tác là các hãng du lịch, các nhà điều hành tour nhằm tìm đường đưa khách quốc tế đến Bình Thuận và cụ thể lượng khách Nga theo tour đến Mũi Né tăng nhanh. + Phương tiện đi Du lịch: Khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng máy bay, tuy nhiên đối với tỉnh ta chưa có sân bay, do vậy đến tỉnh Bình Thuận thường phải thông qua một tỉnh khác. Ở đây chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh, do vậy đến tỉnh phần lớn phương tiện đi là khách đi bằng ô tô, năm 2006 chiếm 88,3% và năm 2009 chiếm 83,6%. Lượng khách đi bằng tàu hỏa có chuyển biến khá nhờ sự nỗ lực của tỉnh tăng cường phương tiện vận tải phục vụ du lịch, đã đầu tư đưa con tàu Hội tụ xanh hoạt động (phương tiện mới thể hiện tính ưu việt trong du lịch như an toàn, đáp ứng cho mọi lứa tuổi, thoải mái nghỉ ngơi trong khi vận chuyển) nên có mức tăng cơ cấu đáng kể: năm 2006 chỉ chiếm 9% thì năm 2009 đã nâng lên chiếm 14,6%. + Số lần du khách đến: Về cơ cấu số lần khách quốc tế du lịch đến Bình Thuận có chuyển biến, khách quen thuộc trở lại Bình Thuận có nhiều hơn: Số lần khách đến lần thứ hai: năm 2006 chiếm 30,8% thì năm 2009 nâng lên chiếm 32,8%; Số lần khách đến lần thứ ba: năm 2006 chiếm 8,6% thì năm 2009 nâng lên chiếm 17,2%. Điều này chứng tỏ môi trường du lịch Việt Nam, trong đó có Bình Thuận đã từng bước hoàn thiện càng ngày càng hấp dẫn khách quốc tế hơn, khiến họ có xu hướng quay lại du lịch Bình Thuận nhiều hơn. Chứng tỏ Bình Thuận đã có nhiều hứa hẹn với những vẻ đẹp tự nhiên và tiềm ẩn đang còn nhiều điều hấp dẫn cho du khách quốc tế. Bảng cơ cấu số lần khách quốc tế du lịch đến Bình Thuận:
+ Đặc điểm nào ở tỉnh có ấn tượng tốt nhất: Đến với Bình Thuận du khách nước ngoài để lại ấn tượng tốt đẹp, một thủ đô của Resort, một phong cảnh đẹp do có một bờ biển dài, và bãi cát mịn màng thoai thoải kéo dài, nước biển xanh cùng với đồi núi chập chùng được thiên nhiên ban tặng như một bức tranh hữu tình, bầu trời trong xanh quanh năm hầu như là nắng ấm. Từ đó thể hiện qua: Ấn tượng tốt nhất như về phong cảnh đẹp: năm 2006 chiếm 50,5% thì năm 2009 nâng lên chiếm 61,2%. Hàm Tiến- Mũi Né - Tiến Thành với những khu du lịch nổi tiếng như: Làng Thụy Sĩ, Bambo Village, Sài Gòn-Mũi Né…khu giải trí liên hợp Forest đang không chỉ là điểm đến của nhiều du khách quốc tế mà còn là điểm dừng chân thật sự lý tưởng cho những tour dã ngoại… Ấn tượng về con người Bình Thuận thì cũng có cơ cấu khá: năm 2006 chiếm 26,8% và năm 2009 chiếm 32,9%, thể hiện con người Bình thuận ngày càng thân thiện hơn và môi trường du lịch an toàn. Tuy nhiên cần phải hết sức chú ý đào tạo con người giao tiếp lịch thiệp, hiếu khách, nhân viên tiếp tân, hướng dẫn du lịch nhiều về số lượng và có trình độ chuyên môn cao. Ấn tượng về hàng hóa rẽ chuyển biến khá tốt trong những năm qua: năm 2006 chiếm 8,5% và năm 2009 chiếm 16,8%. Chứng tỏ hàng hóa Bình Thuận rẻ so với một số thị trường khác và du khách không chỉ tận hưởng và khám phá nhiều điều thú vị, mà còn có cơ hội thụ hưởng chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên các mức tỷ lệ này chưa phải là tối ưu, đòi hỏi tỉnh phải có kế hoạch, biện pháp nâng cao sức hấp dẫn, con người, môi trường thân thiện, nhất là mỗi điểm du lịch trong tỉnh có những đặc thù riêng, khác lạ nhằm thu hút du khách nhiều hơn nữa. + Qui mô độ dài ngày bình quân của lượt khách: Qui mô độ dài ngày của một lượt du khách quốc tế : Lượng khách đi du lịch với thời gian từ 1 đến 3 ngày là phổ biến nhất: năm 2006 chiếm 50,8% và năm 2009 chiếm 56%. Đi du lịch với thời gian 4 đến 7: năm 2006 chiếm 39,4% và năm 2009 chiếm 34,6%. Còn trên 7 ngày: : năm 2006 chiếm 9,8% thì năm 2009 chiếm 9,4%. Các tỷ lệ này cho thấy khách lưu trú dài ngày vẫn chưa được nhiều, do vậy cần phải tăng cường chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các dự án có nhiều loại hình càng phong phú, hình thành những tổ hợp du lịch-thể thao quốc tế hoặc gắn liền với những dịch vụ thể thao trên biển tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình... III. Phát triển du lịch trong các năm qua (2006-2009): Trong những năm gần đây du lịch đã có bước phát triển nhanh, không thể phủ nhận, du lịch đã ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo… Dự báo trong thời gian tới, thị trường du lịch trong nước nói chung, Bình Thuận nói riêng sẽ diễn ra hết sức sôi động. Các doanh nghiệp du lịch cần phải có sự chuẩn bị nhằm liên kết, hợp tác để phát huy sức mạnh và lợi thế cho nhau. Du lịch Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Doanh thu du lịch là một trong các chỉ tiêu chủ yếu, khá quan trọng để đánh giá hoạt động ngành. Trong cơ chế thị trường các doanh nghiệp cũng đã tích cực phát huy thế mạnh, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên. 1. Doanh thu, xuất khẩu và nộp thuế ngành du lịch : Doanh thu du lịch nằm trong nhiều ngành kinh tế, mà trước hết là toàn bộ cơ sở lưu trú, đóng góp phần không nhỏ là các cơ sở nhà hàng, ăn uống và một số cơ sở kinh doanh trong các ngành khác. Do vậy chỉ có thể tính được doanh thu du lịch trên cơ sở điều tra chi tiêu du khách. Thực tế trong các năm vừa qua doanh thu du lịch Bình Thuận tăng rất khá cao. Năm 2009 đạt 1.890,9 tỷ đồng tăng 209,3% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 32,62%. nếu so với mức tăng bình quân 3 năm giai đoạn trước 2005-2003 cao hơn 2,6%. So với tổng mức bán lẻ: Năm 2006 chiếm 7,4% thì năm 2009 nâng lên chiếm 13,5%. Cho thấy tốc độ chi tiêu du khách đã thật sự có những đóng góp lớn trong phát triển nền kinh tế của tỉnh trong những năm vừa qua. Nhiều Resort phần lớn chủ yếu phục vụ khách quốc tế đã không ngừng đầu tư mở rộng thêm nhiều loại giải trí phong phú như khu dã ngoại, lướt ván diều, lướt ván buồm, sân gôn, tắm bùn nước khoáng (bùn khoáng + nước khoáng + rong biển + dược thảo + nước biển) ... Do vậy chi tiêu khách quốc tế ngày càng được nâng cao, thể hiện qua mức tăng doanh thu du lịch khách quốc tế cao hơn rất nhiều so với khách nội địa. Cụ thể mức tăng khách quốc tế và nội địa như sau: + Doanh thu du lịch khách quốc tế năm 2009 đạt 863,8 tỷ đồng tăng 268% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 38,5%. + Doanh thu du lịch khách nội địa năm 2009 đạt 801,3 tỷ đồng tăng 111,6% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 28,6%. Từ đó doanh thu từ khách quốc tế có chuyển biến tích cực về cơ cấu, xu hướng ngày càng tăng rõ nét: Năm 2005 chiếm tỷ lệ 38,4% trong tổng doanh thu du lịch thì năm 2009 nâng lên chiếm tỷ lệ 54,32%. Còn ngược lại khách nội địa doanh thu du lịch cơ cấu giảm: Năm 2005 chiếm tỷ lệ 61,6% trong tổng doanh thu du lịch thì năm 2009 giảm còn chiếm tỷ lệ 54,32%. Với mức tăng doanh thu du lịch như trên, có thể nói hoạt động ngành du lịch của tỉnh đã có những bứt phá trong những năm vừa qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực, thúc đẩy và lôi kéo các ngành dịch vụ và các ngành nghề khác phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làm thay đổi đáng kể bộ mặt xã hội và đời sống một bộ phận dân cư. - Tốc độ tăng trưởng GDP ngành du lịch giai đoạn 2006-2009: Năm 2005 đạt 297 tỷ đồng thì năm 2009 đạt 979 tỷ đồng. Bình quân tăng trưởng GDP ngành du lịch hàng năm tăng 34,7%. - Tỷ lệ GDP của ngành du lịch chiếm trong GDP của tỉnh có xu thế chuyển biến tăng khá như: Năm 2005 chiếm tỷ lệ 3,67% thì năm 2009 chiếm tỷ lệ 4,94% (tăng tỷ lệ 1,51%). Tuy với tỷ lệ tổng giá trị tăng thêm của ngành du lịch hiện nay so với tổng thể chung chưa cao, nhưng trong tương lai không xa sẽ được nâng cao hơn. Kết quả phát triển doanh thu du lịch (chi tiêu du khách) từ năm 2006 đến cuối năm 2009 do các ngành dịch vụ du lịch mang lại trong hoạt động qua các năm như sau:
Doanh thu du lịch lữ hành: 2009 đạt 33 tỷ đồng gấp 2 lần so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 19,6%. Xuất khẩu dịch vụ du lịch tại chổ: Riêng đối với doanh thu du lịch khách quốc tế nếu tính chỉ tiêu xuất khẩu du lịch tại chổ trong 5 năm qua: Năm 2005 đạt 14,8 triệu USD, năm 2006 đạt 20,7 triệu USD, năm 2007 đạt 27,9 triệu USD và năm 2008 đạt 37,7 triệu USD, năm 2009 đạt 48,1 triệu USD. Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 34,16% đã đóng góp ngày càng cao hơn trong kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Số thuế nộp ngân sách ngành du lịch: 2009 đạt 142,2 tỷ đồng gấp 3,87 lần so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 40,3%. 2. Năng lực và kết quả hoạt động của các cơ sở lưu trú: Lượt người đến du lịch tỉnh Bình Thuận càng ngày càng nhiều cho thấy ngành du lịch đang trên đà phát triển, năng lực hoạt động tăng nhanh thể hiện qua số buồng, số giường của các cơ sở lưu trú được đầu tư mở rộng không ngừng. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 dẫn đến lượng du khách quốc tế đến Việt Nam cũng giảm sút, từ đó đối với Bình Thuận mức tăng chậm lại và không đạt kế hoạch về du khách quốc tế (đạt 97,5% kế hoạch). a) Số cở sở lưu trú: Xác định được ý nghĩa rộng lớn của ngành du lịch mang lại, cùng với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nhất là ngành du lịch biển, do vậy trong những năm qua với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy đảng và UBND các cấp, hoạt động du lịch của Bình Thuận đã và đang có sự chuyển biến tích cực, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nó. Chính quyền các cấp của tỉnh đã có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để thúc đẩy du lịch phát triển ổn định. Cùng với những chủ trương đúng đắn, định hướng phù hợp và nhiều chính sách thiết thực khuyến khích phát triển du lịch theo hướng toàn diện, đồng bộ, Bình Thuận đã có bước đột phá trong tổ chức chỉ đạo quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển vững chắc các khu du lịch, làng du lịch. Phục vụ cho du lịch có nhiều ngành, nhưng các cơ sở khách sạn, nhà hàng vẫn là ngành chủ yếu, nhìn chung số lượng các cơ sở chia theo các thành phần kinh tế đều tăng, trong đó kinh tế ngoài nhà nước thể hiện tính năng động, tăng nhanh. Các dự án đầu tư nước ngoài mặc dầu số lượng chưa nhiều nhưng bước đầu là những đầu tàu thúc đẩy đầu tư cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận với tốc độ tăng cao. Với những nhiệm vụ trọng tâm được đặc ra của tỉnh trong giai đoạn này: phát triển du lịch được nâng lên hàng đầu và ổn định ngành thương mại, đó cũng là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Tổng số cơ sở hiện có ngành thương mại, khách sạn- nhà hàng và dịch vụ gần 42 ngàn cơ sở, trong đó ngành thương mại gần 26 ngàn cơ sở, ngành khách sạn-nhà hàng khoảng 10 ngàn cơ sở. Riêng tổng số cơ sở lưu trú năm 2009 có 470 cơ sở (không tính các cơ sở cho sinh viên, học sinh thuê ở dài ngày) tăng 46,4% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 10%. Chia ra loại cơ sở như sau: - Khách sạn có 130 cơ sở tăng 88,41% so với năm 2005 và bình quân hàng năm tăng 17,16%. - Nhà nghỉ có 340 cơ sở tăng 34,92% so với năm 2005 và bình quân hàng năm tăng 7,78%. Trong đó khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao có 91 cơ sở gấp 2 lần so với năm 2005, tăng bình quân hàng năm 19,2%. Qui mô loại hạng cao không ngừng được đầu tư nâng lên như: - Khách sạn trên 4 sao năm 2005 chỉ có 5 cơ sở chiếm tỷ lệ 11,1% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2009 có 13 cơ sở chiếm tỷ lệ 16,4% trong tổng số (tăng bình quân hàng năm 29,4%). - Khách sạn 3 sao năm 2005 chỉ có 10 cơ sở chiếm tỷ lệ 22,2% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2009 có 21 cơ sở chiếm 23,1%, (tăng bình quân hàng năm 20,4%). - Khách sạn 2 sao năm 2005 chỉ có 18 cơ sở chiếm tỷ lệ 40% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2009 có 34 cơ sở chiếm tỷ lệ 37,4% (tăng bình quân hàng năm 17,2%). - Khách sạn 1 sao năm 2005 chỉ có 12 cơ sở chiếm tỷ lệ 24,2% trong tổng số khách sạn đã được xếp tiêu chuẩn sao thì năm 2009 có 22 cơ sở chiếm tỷ lệ 24,2% (tăng bình quân hàng năm 16,4%). b) Số lượng lượt khách, ngày khách : Hoạt động du lịch đã mang lại những kết quả đáng khích lệ ngày càng trở thành ngành quan trọng nâng dần tỷ trọng GDP chiếm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó các doanh nghiệp du lịch mà chủ yếu là các resort và khách sạn, giữ vị trí quyết định trong việc thu hút du khách đến vui chơi. Nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành du lịch cũng gặp không ít khó khăn trong việc thu hút du khách nhất là du khách quốc tế (so với năm trước lượt khách năm 2008 tăng 11%, năm 2009 tăng 9,9%). Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch đã họp bàn để đề ra nhiều biện pháp tháo gỡ như kích cầu, tăng cường xúc tiến du lịch ra nước ngoài, tổ chức nhiều đoàn tham dự hội chợ về du lịch tổ chức ở các nước Nga, Đức, Hà Lan v.v.. khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nâng chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí v.v.. nhờ vậy lượng khách đến Bình Thuận vẫn tăng so với các địa phương khác, thể hiện qua kết quả sau: + Lượt khách phục vụ: Năm 2005 là 1.250.936 lượt khách thì năm 2009 được 2.200.106 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 15,2% (Đối với các doanh nghiệp mức độ tăng khá cao: năm 2005 là 562.170 lượt khách thì năm 2009 được 1.384.501 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 25,3%). Trong đó lượt khách ngủ qua đêm năm 2005 là 921.794 lượt khách thì năm 2009 được 1.735.216 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 17,1%. Riêng khách quốc tế: Năm 2005 là 128.029 lượt khách thì năm 2009 được 222.000 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 14,8% (Đối với các doanh nghiệp: năm 2005 là 128.029 lượt khách thì năm 2009 được 210.938 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 13,3%). Trong đó lượt khách ngủ qua đêm năm 2005 là 113.387 lượt khách thì năm 2009 được 206.060 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 16,1%. + Tổng số ngày khách phục vụ: Năm 2005 là 1.250.936 ngày khách thì năm 2009 được 2.950.000 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 17,9% (Đối với các doanh nghiệp: năm 2005 là 263.833 ngày khách thì năm 2009 được 606.824 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 13,3%). Trong đó khách quốc tế: Năm 2005 là 263.833 ngày khách thì năm 2009 được 632.500 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 24,4%. Đối với dịch vụ du lịch lữ hành (phục vụ thuê tour trọn gói từ Bình Thuận đi đến các tỉnh khác) còn ít đơn vị nên lượt khách phục vụ năm 2005 có 4.575 lượt khách thì năm 2009 được 9.856 lượt khách, bình quân hàng năm tăng 20%. Tổng số ngày khách phục vụ năm 2005 có 31.812 ngày khách thì năm 2009 được 71.900 ngày khách, bình quân hàng năm tăng 22,6%. Đây là mảng yếu của du lịch Bình Thuận, chủ yếu là Công ty lữ hành ngoài tỉnh khai thác du khách trong tỉnh. Cùng với việc nổ lực quảng bá thương hiệu về du lịch ra thị trường nước ngoài, mở rộng cơ sở vật chất và nâng chất lượng phục vụ, bản đồ du khách quốc tế đến Bình Thuận ngày càng mở rộng. Từ năm 2005 đến du lịch Bình Thuận chỉ có 152 nước, vùng, lãnh thổ thì đến năm 2009 có 180 nước vùng, lãnh thổ. Trong năm 2007 để nâng cao cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Nga tại Bình Thuận, Công ty Du lịch lữ hành Lan Ta- An Travel là công ty du lịch lữ hành Việt- Nga đầu tiên được thành lập tại Bình Thuận. Do vậy, cơ cấu du khách Nga ngày càng tăng lên rõ rệt. Cơ cấu số lượng lượt khách quốc tế theo nước có tỷ lệ trên 2% (năm 2009) so với tổng số lượt khách quốc tế xếp từ cao xuống thấp như sau:
Mùa du khách quốc tế theo các tháng thường tập trung cao ở những tháng đầu năm và những tháng cuối năm, thể hiện qua biểu đồ số lượt khách quốc tế theo tháng qua 4 năm 2006-2009 như sau:
c) Số buồng, giường và các hệ số sử dụng buồng, giường: Gắn với du lịch là sản phẩm du lịch, do vậy tỉnh ta đang phấn đấu nâng cao sản phẩm du lịch, đa dạng cả về số lượng và chất lượng nhằm ngày càng thu hút du khách trong nước và ngoài nước nhiều hơn, đồng thời tạo nhiều sản phẩm du lịch giải quyết nhu cầu chi tiêu du khách trong nước và nước ngoài phong phú hơn, giữ du khách ở dài ngày hơn. Một số chỉ tiêu chủ yếu về chất lượng như hệ số buồng, giường cho thấy năm sau cao hơn năm trước, song việc khai thác công suất sử dụng buồng giường còn nhiều hạn chế so với tiềm năng du lịch của tỉnh. Có thể thấy qua các năm như sau: + Tổng số buồng: năm 2005 là 5.410 thì năm 2009 nâng lên có 8.568 buồng bình quân hàng năm tăng 12,2%. Trong đó các cở sở doanh nghiệp năm 2005 là 3.325 thì năm 2009 nâng lên có 5.676 buồng bình quân hàng năm tăng 14,5%. + Tổng số giường: năm 2005 là 10.259 thì năm 2009 nâng lên có 15.488 giường bình quân hàng năm tăng 10,9%. Trong đó các cở sở doanh nghiệp năm 2005 là 6.299 thì năm 2009 nâng lên có 10.802 giường bình quân hàng năm tăng 14,1%. + Hệ số sử dụng buồng: năm 2005 được 49,4% thì năm 2009 nâng lên 56,2%. + Hệ số sử dụng giường: năm 2005 được 47,5% thì năm 2009 nâng lên 53,4%. + Hệ số ngày lưu trú (độ dài ngày bình quân một lượt khách): năm 2005 được 1,65 lượt thì năm 2009 đạt 1,70 lượt. Trong đó khách quốc tế năm 2005 được 2,33 thì năm 2009 nâng lên 3,07. Doanh thu bình quân ngày/1 du khách: năm 2005 được 0,401 triệu đồng năm 2009 nâng lên 0,641 triệu đồng. Trong đó khách quốc tế năm 2005 được 0,890 triệu đồng thì năm 2009 nâng lên 1,366 triệu đồng. Nhìn chung, thông qua tốc độ tăng doanh thu du lịch và các hệ số sử dụng buồng giường, độ dài ngày du khách lưu trú, bình quân doanh thu một ngày của một du khách, có thể nhận xét như sau: - Tốc độ tăng doanh thu và cơ sở lưu trú phù hợp với quy mô và mức độ phát triển du lịch hiện nay. - Các hệ số sử dụng buồng, giường bước đầu tăng không cao do các cơ sở lưu trú đang đầu tư theo chiều rộng, một số cơ sở lưu trú mới đi vào hoạt động nên hệ số sử dụng còn rất thấp. Mặt khác thời kỳ du khách đến không đều, khách đến nhiều nhất là trong những ngày lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật (có lúc quá tải đối với các cơ sở lưu trú ở Khu du lịch Mũi Né). Nhưng ngược lại cũng có nhiều cơ sở lại không có khách hoặc là khách rất ít vào các ngày bình thường, tiềm năng du lịch của tỉnh nhà dồi dào nhưng khả năng khai thác, xúc tiến du lịch hạn chế. - Doanh thu bình quân ngày/1 du khách chưa cao, do một số lượng lớn du khách đến Bình Thuận lưu trú ngắn ngày (Các hãng du lịch các tour đến Phan Thiết tổ chức chỉ 2 ngày đến 3 ngày nên du khách trong nước có số ngày lưu trú thấp), một số lượng không nhỏ có thu nhập thấp nên chi tiêu có mức độ và mặt khác sản phẩm cung ứng du lịch cũng còn hạn chế. Chi tiêu bình quân của du khách còn thấp, hệ số sử dụng phòng, giường không cao phần nào do cơ sở hạ tầng chưa tương ứng, các khu trung tâm thương mại, khu mua sắm chưa nhiều cho du khách. - Việc triển khai thực hiện đầu tư các cơ sở hạ tầng ở một số khu du lịch còn chậm so với yêu cầu. Số dự án du lịch chưa triển khai xây dựng, chưa đi vào hoạt động kinh doanh chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số dự án đầu tư. Môi trường vệ sinh tại các khu du lịch chưa cải thiện nhiều. 3. Các yếu tố, nguồn lực đáp ứng sự phát triển ngành du lịch: a) Các dự án du lịch và các công trình phục vụ du lịch: Bình Thuận có phía đông là biển, có nhiều cù lao gần bờ, có gành đá, mũi đá đẹp và những thắng cảnh tự nhiên hấp dẫn như Gành Son, Giếng Tiên, rừng dừa bãi Rạng…Phía tây là những ngọn núi cuối dãy Trường Sơn, có thung lũng sông La Ngà, vùng Bảo tồn thiên nhiên Biển Lạc-Núi Ông. Ngoài ra Bình Thuận còn có đảo Phú Quý được mệnh danh là “hòn ngọc giữa biển khơi”. Cùng với đó là cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch ngày được đầu tư hoàn thiện đồng bộ hơn, bước đầu hình thành các khu du lịch, cụm du lịch nổi tiếng có sức thu hút khách lớn. Các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh có số lượng ngày càng tăng với quy mô ngày càng lớn. Tính đến cuối tháng 6/2009, trên địa bàn toàn tỉnh có 413 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất cấp là: 7.628,8 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là: 57.085,3 tỷ đồng. Trong đó có 36 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng diện tích đất cấp là 2.810,7 ha và tổng vốn đăng ký là: 14.055,8 tỷ đồng. Tuy nhiên các chỉ có trên 130 dự án đi vào hoạt động kinh doanh chiềm 30% trong tổng số dự án đã được chấp thuận. Hiện còn nhiều dự án chưa xong do nhiều nguyên nhân như đang quá trình xây dựng, hoặc làm các thủ tục về thiết kế xây dựng, xin giấy phép xây dựng, thuê đất, vướng đền bù... Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu đền bù giải tỏa đất đai ở những nơi có dự án du lịch triển khai. Việc đền bù giá đất một số nơi chưa hợp lý do điều chỉnh không kịp với sự lên giá đất một cách nhanh chóng. Do vậy, bên cạnh vấn đề tích cực kêu gọi các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch, hàng năm số lượng các dự án du lịch được chấp thuận tăng khá, nhưng không tránh khỏi những dự án còn lại nằm trong tình trạng không triển khai, xây dựng dỡ dang, kéo dài, chậm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số dự án du lịch có qui mô lớn được quan tâm đầu tư phát triển trong năm 2009 như: + Khu du lịch sinh thái biển vịnh Đá Nhảy (Rock Bay Resort) với diện tích 13 ha, vốn đầu tư khoảng 257,7 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Dự án nghỉ dưỡng biển này được xây dựng tại vùng biển yên bình của khu du lịch Tân Thành - Hàm Thuận Nam, phía Nam thành phố Phan Thiết. + Dự án Khu dịch vụ du lịch thương hiệu Hoàng Long - Phan Thiết, vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, xây dựng một khu dịch vụ du lịch hiện đại trên diện tích 19.675m2 tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Theo thiết kế, khu dịch vụ du lịch Hoàng Long bao gồm nhiều hạng mục chức năng như: hệ thống nhà hàng cao cấp, khu siêu thị và mua sắm, chuỗi câu lạc bộ vui chơi giải trí, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, hệ thống các công trình dịch vụ tiện ích hiện đại phụ trợ chuyên phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí và mua sắm của du khách trong và ngoài nước. Đây là những dự án không những góp phần cung cấp thêm nhiều loại hình dịch vụ cho nhu cầu của du khách, mà còn tạo động lực cho các dự án đầu tư xây dựng những trung tâm dịch vụ, giải trí, thương mại cao cấp cho thành phố du lịch Phan Thiết đang phát triển. + Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp Leagend Sea của Công ty TNHH Đại Thanh Quang chạy dọc bờ biển hơn 3 km, ven theo những con đường uốn lượn quanh co, các đồi dốc thoai thoải cùng rừng cây xanh thẳm có quy mô của dự án nằm trên diện tích 278 ha. Đây là 1 trong những dự án lớn với Khu Resort 5 sao, khách sạn Butique, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu cắm trại và picnic, khu ăn uống, sân golf mini, công viên vui chơi và giải trí, khu thể dục thể thao và trung tâm thẩm mỹ… với tổng vốn đầu tư là 11.051 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là nhằm tạo nên một khu du lịch và dân cư cao cấp với nhiều yếu tố đặc sắc để trở thành một khu du lịch nổi tiếng với phần lớn là cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp sinh thái, tạo cho du khách cảm giác thoải mái, yên bình. + Khách sạn Diamond được xem là kiến trúc cao nhất ở khu trung tâm thành phố Phan Thiết hiện nay, có 115 phòng nghỉ tiêu chuẩn 5 sao với trang thiết bị và lối trang trí mang phong cách châu Âu. Ngoài ra, khách sạn còn có nhiều khu chức năng khác nhau đáp ứng đầy đủ nhu cầu giải trí và nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan thành phố biển Phan Thiết. + Khách sạn Sea Links Beach gần 135 ha nằm trên những đồi cát dọc đường Nguyễn Thông trông ra vùng biển nổi tiếng Hàm Tiến-Mũi Né (Phan Thiết), khách sạn này nằm trong quần thể tổ hợp resort mang tên Sea Links City có 188 phòng tiêu chuẩn 5 sao hướng biển. Theo chủ đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông, bên cạnh liền kề sân golf 18 lỗ, công viên biển, khu biệt thự nghỉ dưỡng biển cao cấp, Sea Links Beach còn trang bị những tiện nghi, dịch vụ hiện đại. Một số dự án quy mô lớn khác đã và đang được đầu tư xây dựng như khu du lịch cao cấp Hòn Rơm-Mũi Né 107 ha, Khu du lịch sinh thái kết hợp điều dưỡng Medisealand 77 ha, dự án Hố Lở 278 ha, khu du lịch thung lũng Đại Dương (Tiến Thành) 999 ha, Khu du lịch Deverton (Bắc Bình) 100 ha, dự án Hòn Lan 100 ha, dự án du lịch sinh thái vườn Đức Nhi (Hàm Thuận Nam) 57,8 ha, dự án Sài Gòn-Hàm Tân 200 ha, dự án Nhà nghỉ biển-biệt thự và sân golf Sơn Mỹ 177 ha, dự án Khu du lịch và dịch vụ quốc tế cao cấp (Hàm Tân) 330 ha… Các công trình hạ tầng phục vụ du lịch : Hoàn thành đường 706B (nối Phan Thiết-Mũi Né), cung đường rộng 52 m tiêu chuẩn hiện đại, dài gần 17 km này sẽ dễ dàng cảm nhận ngay sự đa dạng và quy mô của các dự án du lịch đã và đang triển khai. Hoàn thành hệ thống xử lý nước thải chung cho khu vực Hòn Rơm. Hiện nay các công trình hạ tầng phục vụ du lịch được triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung các công trình trọng điểm như Đường 706 B, cầu Sông Lũy, đường dây 110 KV Phan Thiết-Mũi Né, tuyến ống cấp nước đường Nguyễn Đình Chiểu, triển khai đầu tư dự án nhà máy nước 16.000 m3/ngày. Gần đây nhất, UBND tỉnh Bình Thuận vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng bến cảng du lịch kết hợp phục vụ du lịch tại phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết. Được xem là cảng du lịch đầu tiên ở Bình Thuận. b) Lao động và vốn kinh doanh: Tổng số lao động trong năm 2009 có 15.757 người tăng 132,7% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 23,4%. Nguồn nhân lực và vốn kinh doanh du lịch của tỉnh có tăng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ du lịch là Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm, Trường Trung cấp nghề và Trường Cao đẳng cộng đồng hàng năm đào tạo khoảng 500 học viên. Vấn đề quan tâm là cần đổi mới phương pháp đào tạo, không chỉ đào tạo cho họ kỹ năng mà còn đào tạo về lối sống, đạo đức và lý tưởng để có có một nền tảng vững chắc, chủ động trong phục vụ khách hàng của mình. Trong các năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục để nhận thức về du lịch, năng lực giao tiếp, ứng xử của dân cư được chú trọng tạo điều kiện thân thiện với du khách, làm cho môi trường giao tiếp được cởi mở hơn. Các cơ sở lưu trú, Resort, hàng năm ngoài việc gửi đi đào tạo các trường lớp, cũng đã tổ chức tại chỗ nhiều khóa bồi dưỡng ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho quản lý cơ sở lưu trú du lịch, các lớp nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ tiếp tân, hướng dẫn viên, thuyết minh du lịch. Tuy nhiên, do các cơ sở du lịch phát triển nhanh, cơ cấu chức vụ, các lao động có trình độ tay nghề cao, đặc biệt ở các vị trí như quản lý, điều hành phải thuê ở tỉnh ngoài, nước ngoài. Tổng số nguồn vốn ngành du lịch năm 2009 có 5.578 tỷ đồng tăng 225,9% so với năm 2005, bình quân hàng năm tăng 34,4%. Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là giải pháp chính giải phóng lực lượng sản xuất toàn xã hội, thu hút được các nguồn lực trong dân cư vào sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện ở quy mô vốn đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đều tăng trong những năm qua. Với việc tích cực huy động nhiều nguồn vốn, tích cực đầu tư phát triển mở rộng sản xuất là một trong những tiền đề tồn tại, phát triển cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Thực tế trong những năm đây, tỉnh đã nỗ lực kêu gọi các dự án về du lịch nhiều hơn bao giờ hết. Do vậy vốn phát triển sẽ không dừng lại ở mức tăng này mà khả năng sẽ cao hơn nhiều. 4. Vấn đề về môi trường đầu tư phát triển du lịch: Trong những năm vừa qua tỉnh cũng đã có những bước hoàn thiện môi trường du lịch, một số vấn đề đáng chú ý đã thực hiện trong những năm vừa qua như: - Để đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong việc nghiên cứu thị trường, quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách và thu hút nguồn vốn đầu tư, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô và hình thức kinh doanh. Với lợi thế nhất định về du lịch biển và gần thành phố Hồ Chí Minh (một trung tâm kinh tế, du lịch lớn nhất của cả nước) nên việc thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Ngày 14/9, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), 3 tỉnh, thành là TP.HCM, Bình Thuận và Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị sơ kết chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - TP.HCM giai đọan 2007-2012. Mục đích quảng bá tuyên truyền, liên kết hợp tác phát triển du lịch còn tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư du lịch TP.HCM đầu tư tại Bình Thuận và Lâm Đồng, tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch mới. - Ngoài ra để quảng bá cho việc mở rộng các loại hình thể thao du lịch, Bình Thuận đã tổ chức cuộc thi 3 môn phối hợp quốc tế mang tên “Le Fruit Triathlon 2009” lần thứ 8 diễn ra vào ngày 30/5 tại bãi biển thuộc khu du lịch Hàm Tiến-Mũi Né, thành phố Phan Thiết.Tại CLB Jibe’s Beach 2, Mũi Né, Tp Phan Thiết, Bình Thuận, 180 VĐV đến từ 20 quốc gia trên thế giới đã tham dự cuộc tranh tài quốc tế 3 môn phối hợp mang tên “Le Fruit Triathlon 2009”. Cuộc thi gồm 3 nội dung: Bơi trên biển, chạy xe đạp địa hình và chạy bộ trên bãi biển. - Tại cuộc họp báo mới đây về Triển lãm Quốc tế du lịch TPHCM lần thứ 5 (ITE 5), Ban Tổ chức ITE 5 đã thống nhất chọn Bình Thuận làm “điểm nhấn” của du lịch VN và khu du lịch Novotel Phan Thiết (Bình Thuận) vừa được tổ chức Green Globe (Hệ thống toàn cầu về định chuẩn) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Toàn cầu xanh, trở thành khu du lịch đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận này. - Siêu thị mang thương hiệu Co-op Mart của Liên minh HTX Thương mại TPHCM mới thành lập cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa phong phú. Đa dạng của tỉnh. - Gần đây UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản số 5103 UBND-KT đồng ý chủ trương tổ chức chợ đêm văn hóa thử nghiệm tại khu phố Tây phường Hàm Tiến. Chợ đêm sẽ được xây dựng ở khu phố 1 phường Hàm Tiến (mặt bằng khoảng 4 ngàn mét vuông, đối diện với resort Làng Thụy Sĩ) với khoảng 150 gian hàng, trong đó, nội dung chủ yếu là hoạt động kinh doanh mang nhiều đặc trưng văn hóa và quan trọng nhất là không gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, chợ đêm khi đi vào hoạt động sẽ tập trung vào việc trưng bày và bán các sản phẩm truyền thốn-g của địa phương và của dân tộc Chăm như: sản phẩm dệt thổ cẩm, tranh cát, tranh thêu, sản phẩm từ vỏ ốc, vỏ sò, từ cây dừa ... - Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch được tăng cường trên nhiều mặt. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, đồng thời giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch, chấp hành nghiêm túc các qui định của nhà nước về đăng ký kinh doanh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn du khách, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, niêm yết giá…góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. PHẦN III NHỮNG ĐẠT ĐƯỢC, KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP 1. Những đạt được: - Những thành quả đáng ghi nhận của du lịch Bình Thuận kể từ năm xuất hiện nhật thực toàn phần, nhất là những năm gần đây đã thể hiện sự hết sức nỗ lực phấn đấu của tỉnh qua kết quả triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo kết hợp văn hóa với kinh tế trong du lịch, do vậy mức tăng trưởng doanh thu du lịch không ngừng phát triển, nhất là qua 4 năm vừa qua. Tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 32,6%, trong đó đối với khách quốc tế tăng 38,5%. Đồng thời góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu (xuất khấu dịch vụ du lịch tại chỗ) rất hiệu quả và đầy triển vọng. - Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện hơn với những khu du lịch, những tuyến đường du lịch được đầu tư mở rộng và thông suốt dọc theo biển, những resort với nhiều kiểu dáng, mô hình và qui mô không ngừng được đầu tư phù hợp gắn với du lịch sinh thái biển mà đặc thù thiên nhiên ưu đãi cho Bình Thuận. - Số lượng sản phẩm du lịch từng bước nâng lên về số lượng và chất lượng. Cùng với dịch vụ lưu trú, giải trí, nghỉ ngơi là các sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm đặc thù của địa phương như hàng dệt thổ cẩm, nước mắm, thanh long...Và các khu ẩm thực với những món ăn đặc sản biển được đầu tư, nghiên cứu chế biến phù hợp với khẩu vị của du khách trong mọi miền đất nước và cả khách quốc tế thuộc các khu vực trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Đồng thời, tỉnh thường xuyên bàn nhiều biện pháp nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch với các sản phẩm đặc thù phù hợp với từng vùng, từng địa phương để thoả mãn nhu cầu đa dạng, ngày càng tăng của các đối tượng du khách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. 2. Khó khăn, tồn tại: - Dự án du lịch hiện nay rất nhiều, tuy nhiên nhiều dự án du lịch còn bỏ ngỏ, hàng trăm dự án resort, với con số đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, đã đăng ký kín gần như không còn một chỗ nào trống. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều dự án chỉ “nằm treo” trên giấy, hoặc mới đang trong quá trình thi công các hạng mục ban đầu thì dừng lại... bỏ hoang hoặc có hoàn thành nhưng lại kinh doanh “èo uột”, không hiệu quả… Một số dự án du lịch chậm đi vào kinh doanh, công tác giải tỏa đền bù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, một số chủ dự án không có năng lực tài chính nên không triển khai dự án được... Mặt khác bố trí các cơ sở lưu trú một số vùng còn có nhiều bất cập như khu dân cư, các cơ sở hoạt động công nghiệp, chế biến thủy sản đan xen với khu du lịch, các khách sạn 3 sao trở lên còn thiếu. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang được thực hiện và loại dần những dự án không khả thi, nằm chờ dài hạn. Tăng cường kêu gọi vốn đầu tư nhưng cũng sẽ hết sức quan tâm tới tư vấn đầu tư để chú ý đáp ứng các loại nhu cầu của du khách. - Chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm du lịch đã có bước nâng lên, vừa qua trên địa bàn tỉnh triển khai thêm một số loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu khách như: Sân gofl Sealink 18 lỗ, vũ trường Holly Wood Night, siêu thị Co.op Mart, khu vui chơi giải trí Suối Cát… Nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa khai thác được các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Dịch vụ phục vụ phát triển du lịch chưa mạnh, chất lượng chưa bảo đảm, tính chuyên nghiệp chưa cao, các hoạt động giải trí và mua sắm vẫn kém hấp dẫn. Do đó, du khách dù muốn vẫn không thể chi tiêu nhiều hơn do không biết tiêu tiền vào đâu. Nhiều du khách đánh giá các địa điểm mua sắm và vui chơi về đêm còn ít và chưa đủ sức thu hút du khách. - Nguồn nhân lực của ngành du lịch đang là một vấn đề khó khăn rất lớn của tỉnh mà cấp bách cần cải thiện và khắc phục. Một trong những vấn đề đáng quan tâm nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay là trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng thiếu đã khiến ngành du lịch không khai thác hết nguồn lợi từ khách du lịch quốc tế, yếu kém về trình độ chuyên môn, văn hoá giao tiếp, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch yếu về số lượng và cả chất lượng. Công tác đào tạo đội ngũ làm du lịch chưa mạnh, chưa sâu, chưa theo kịp yêu cầu đa dạng, phong phú của phát triển du lịch. Do vậy phải xem việc đào tạo cho ngành du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và phối hợp liên tục không ngừng mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao kiến thức về du lịch và tay nghề. - Vệ sinh môi trường ở một số khu du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú chưa tốt như khu vực Hòn Rơm tình trạng nước thải, rác thải chưa được xử lý triệt để; hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện dọc theo tuyến biển từ Tiến Thành đến Mũi Né-Hòn rơm kéo dài và sinh vật biển chết trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm tại các bãi tắm ảnh hưởng không ít đến hoạt động du lịch. Do vậy cần có một định hướng đầu tư để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa không phá vỡ môi trường và cảnh quan tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của vùng. - Công tác phát động dân cư trong địa bàn có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng, thực hiện nếp sống văn minh giữ gìn trật tự an ninh thái độ ứng xử với du khách chưa cao và đồng bộ, trước mắt cần có một giải pháp tích cực chấm dứt tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo... môi trường vệ sinh tại các khu du lịch chưa được cải thiện. Cần tăng cường Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, và an toàn trên biển nhiều hơn. 3. Giải pháp: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên hiệu quả hoạt động của ngành Du lịch liên quan đến nhiều ngành khác trong mối quan hệ tương hỗ, mà yếu tố chủ yếu là tổ chức quản lý cơ chế chính sách. Do vậy, từ thực tiễn phát triển du lịch hiện nay, cần đi sâu nghiên cứu và đưa ra các giải pháp chủ yếu của ngành du lịch cho những năm tới. - Đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thu hút khách du lịch, quan tâm là phát triển thêm nhiều loại hình du lịch đặc trưng của địa phương, tạo thành những tour liên kết nhiều vùng, nhiều sắc thái khác nhau tạo ra sự mới lạ và thích thú cho du khách có như vậy mới giữ khách lâu ngày và đón khách quay lại. Nghiên cứu kỹ sở thích, khả năng chi tiêu của khách du lịch từng vùng, từng quốc gia để xây dựng và bố trí các tour thích hợp và sáng tạo những sản phẩm đặc trưng đáp ứng sở thích của du khách và tăng nguồn thu cho hoạt động dịch vụ du lịch. - Đổi mới phương pháp quản lý, chú trọng hiệu quả nhiều mặt; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch và du khách theo pháp luật; xây dựng và áp dụng một số chính sách nhằm nâng cao năng lực cho của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là năng lực tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Trong điều kiện tiềm năng du lịch của tỉnh chưa khai thác đúng mức, cần tạo môi trường du lịch thân thiện rộng mở, nâng cao chất lượng, luôn luôn tạo ra nét mới, tạo sức hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch. - Từng bước có chính sách thuận lợi cho việc đầu tư vốn của các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận và cho cả các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài để khai thác các sản phẩm du lịch mới, chú ý các loại hình vui chơi giải trí, thể thao phù hợp với đặc thù của vùng biển, vùng rừng núi mà thiên nhiên đã ưu đã và có các khu ẩm thực mang tính đặc trưng, sắc thái riêng có của Bình Thuận để phục vụ tốt nhu cầu phong phú, đa dạng của du khách. Kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 3-5 sao. Tránh tình trạng đầu tư tràn lan dễ rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn. Nhiều dự án đầu tư mới về du lịch ra đời, càng không tránh khỏi rơi vào cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, do vậy ngoài việc họp bàn cách tổ chức kinh doanh sao cho có luật lệ, mà còn phải bàn cách tăng lượng khách đến với Bình Thuận. - Hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể và cụ thể trên từng địa bàn với các loại sản phẩm phù hợp, xác định rõ các khu, điểm, tuyến du lịch… làm cơ sở cho việc kêu gọi đầu tư. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn giữa các quy hoạch. Bên cạnh kêu gọi các dự án thì cũng phải tạo môi trường thật sự thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch không ngừng phát triển. Tích cực hoàn chỉnh quy hoạch các khu du lịch hợp lý và có sức sống, nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng cho phát triển du lịch và những ngành kinh tế mũi nhọn khác. - Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, quan tâm xây dựng kế hoạch thường xuyên đào tạo cán bộ quản lý, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên cho du lịch có trình độ giao tiếp du khách nội địa cũng như du khách quốc tế ngày càng được nâng cao. Các nhà quản lý du lịch của tỉnh cũng phải có kế hoạch đào tạo một cách căn cơ để đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời phải xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của mình, không nên làm thay phần việc của tư nhân mà phải khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào công tác đào tạo nhân lực. - Tăng cường xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch là biện pháp quan trọng để tạo lập và nâng cao hình ảnh du lịch Bình Thuận ngay cả trong và ngoài nước nhằm thu hút khách. Cần tập trung vào nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, tập quán, thói quen tiêu dùng của các đối tượng khách để có những sản phẩm phù hợp với thị trường. Mở rộng các hình thức tuyên truyền quảng cáo như tổ chức, tham gia thường xuyên các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời tăng cường tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng với các loại hình khác nhau nhất lá hết sức chú ý đến xây dựng các Website về du lịch Bình Thuận. - Phát triển các khu du lịch phải đi đôi với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch và môi trường tự nhiên, xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, môi trường du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Tăng cường công tác quản lý môi trường ở các trọng điểm du lịch; tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp phòng chống tệ nạn xã hội thâm nhập vào hoạt động du lịch; chú trọng xử lý nước thải, chất thải ở các khách sạn, các điểm du lịch, khu du lịch. - Chú ý phát triển du lịch MICE (Meeting, Incentive, Convention và Exhibition). Đó là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện du lịch. Vì các đoàn khách MICE thường rất đông, sử dụng dịch vụ cao cấp và thời gian lưu trú cũng lâu hơn và đặc biệt mức chi tiêu cao hơn khách đi tour bình thường. Chương trình du lịch MICE thường có sự tham gia của các chính khách, doanh nhân, các tập đoàn nước ngoài, các công ty liên doanh… đến từ nhiều nơi trên thế giới, nên đây là cơ hội rất tốt để quảng bá, tiếp thị cho ngành du lịch. Muốn vậy cần thấy rõ những thứ mà dòng khách Mice đang hướng đến như đi tìm sự mới lạ, thưởng thức những dịch vụ cao, tiện ích tốt và sản phẩm đắt tiền, mang chủ đề riêng, những chương trình ẩm thực mang dấu ấn của từng vùng, từng miền để lôi kéo dòng khách “quý tộc” này. Bình Thuận không thiếu các sự kiện thể thao hoặc lễ hội, khu ẩm thực có thể thu hút nhiều khách trong nước và quốc tế đến tham gia và cổ vũ… Đối với khách du lịch quốc tế tham dự sự kiện MICE, họ có nhu cầu đi tham quan một số nơi ở Việt Nam và đi với số lượng lớn. Vì vậy, chỉ có liên kết giữa khách sạn và các công ty du lịch mới đáp ứng nhu cầu này của khách MICE này. Tuy nhiên phát triển MICE không cứ phải trông chờ vào khách du lịch quốc tế, mà cũng cần chú ý đến khách MICE nội địa, một số công ty cũng có nhu cầu tổ chức những hội nghị cho nhân viên kết hợp với du lịch, những cuộc hội họp tổ chức khen thưởng khách hàng hay đại lý. Ngoài ra, tổ chức các hội chợ hay triển lãm quốc tế với những nhóm DN hoặc từng DN riêng lẻ cũng là đối tượng của ngành du lịch. Phải nâng cấp khách sạn có hạ tầng cơ sở phục vụ thị trường MICE, như phòng ốc với những yêu cầu về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, đèn chiếu... để tổ chức hội nghị. Nhìn chung khai thác thị trường MICE là một trong những mục tiêu của chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam và tỉnh ta nói riêng, MICE không chỉ giới hạn ở việc cho thuê phòng ốc để tổ chức các hội nghị mà còn phải biết đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm, tham quan các điểm du lịch, MICE kích thích sự phát triển của hệ thống khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng... và thương mại. - Hiện nay nước ta đang chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, do vậy tỉnh ta cũng phải có kế hoạch, xây dựng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển nhanh du lịch Bình Thuận nhằm góp phần cùng cả nước đưa du lịch lên một bước phát triển mới nhằm nhanh chóng đuổi kịp trình độ và hội nhập với sự phát triển chung của du lịch khu vực và thế giới. Trước mắt đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong việc nghiên cứu thị trường, quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách và thu hút nguồn vốn đầu tư, và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô và hình thức kinh doanh. Xác định được ý nghĩa rộng lớn của ngành du lịch mang lại, cùng với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nhất là ngành du lịch biển. Cùng với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực phấn đấu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ du lịch, hoạt động du lịch của Bình Thuận đã và đang có sự chuyển biến tích cực, ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của nó. Chính quyền các cấp của tỉnh đã có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để thúc đẩy du lịch phát triển ổn định. Đồng thời với những chủ trương đúng đắn, định hướng phù hợp và nhiều chính sách thiết thực khuyến khích phát triển du lịch theo hướng toàn diện, đồng bộ. Bình Thuận đã có bước đột phá trong tổ chức chỉ đạo quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển vững chắc các khu du lịch, làng du lịch. Đặc biệt nếu giải quyết tốt vấn đề nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tin rằng Bình Thuận sẽ phát huy được những tiềm năng lợi thế của mình để đưa hoạt động ngành du lịch tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới và trong tương lai ngành du lịch Bình Thuận khả năng sẽ vươn xa hơn nữa, ổn định và phát triển vững chắc bền vững. |